Lúc còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho dân tộc. Trong suốt những năm tháng ấy, có rất nhiều những văn nghệ sĩ thuộc các đoàn văn công hay các cháu thiếu nhi được tuyển chọn để biểu diễn cho Bác xem. Cho đến hiện tại, dù đã nhiều năm trôi qua, đó vẫn là một niềm vinh dự, tự hào và là những ký ức mãi không bao giờ quên đối với họ.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị được triệu tập về ATK Thái Nguyên phục vụ hội nghị ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Thượng tá Trần Thị Ngà (86 tuổi, nguyên diễn viên Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, trực tiếp tham gia biểu diễn tại chiến trường Điện Biên Phủ, từng theo nhạc sĩ Đỗ Nhuận tham gia Đội xung kích biểu diễn tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam) khi ấy vẫn còn là một cô thiếu nữ trẻ tuổi, vinh dự vì lần đầu tiên được biểu diễn cho Bác.
Thượng tá Trần Thị Ngà nhớ lại: “Lần đầu tiên nhìn thấy Bác, chúng tôi vô cùng vui sướng, mải mê đứng ở cánh gà ngó xuống nơi Bác ngồi. Nhưng vì vui quá mà quên mất đến tiết mục của mình phải ra sân khấu. Chúng tôi bị phê bình nhưng sau đó cũng được cho qua vì niềm vui gặp Bác quá lớn”.
Sau này, cô nữ văn công năm ấy còn vinh dự được lựa chọn biểu diễn các hoạt động khác tại Phủ Chủ tịch. Trong một lần tiếp đoàn đại biểu Đảng - Chính phủ Tiệp Khắc, trước lúc biểu diễn cho đoàn đại biểu, Bác vào tận hậu trường hỏi thăm: “Hôm nay biểu diễn phục vụ bạn, các cháu có "tủ" gì mới?” khiến cả đoàn mừng xốn xang.
Trước đó không lâu, khi Đại đoàn 308 của Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp chuẩn bị hành quân lên Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm. Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp mãi ghi nhớ khoảnh khắc lần đầu tiên được biểu diễn cho Bác. Bà Diệp xúc động vì được Bác ưu tiên cho đứng lên hàng đầu giữa cả một đại đoàn đang chen chúc để gặp Bác.
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp hào hứng kể lại: “Chưa bao giờ sướng như thế, vì tôi không được biết trước sẽ gặp Bác Hồ. Vì không biết nên cái sung sướng ấy mới nhân lên”.
Cách chỉ khoảng 1m, cô nữ văn công phấn khởi vì được nhìn rõ dung nhan Bác: “Đôi mắt Bác sáng, trông Bác chăm chú say sưa xem lắm”.
Vừa rưng rưng nhớ lại, bà vừa ngân nga tiếng hát kèm điệu múa “khoe giày” lần đầu biểu diễn cho Bác xem. Dù ở cái tuổi ngoại bát tuần nhưng giọng ca của nữ văn công xưa vẫn vô cùng nồng nàn, da diết: “Rề son sí la sí, rề son sí đố la…”.
Sau đấy, cả Đại đoàn và Bác Hồ cùng nhau hát bài "Mừng Đảng Lao động Việt Nam ra đời". Khi hết lời, Bác căn dặn toàn đại đoàn: "Các đồng chí thấy đấy, làm gì mà có sức mạnh của quần chúng thì đều thành công".
Trung tá Ngọc Diệp kể, thời điểm đó, bộ đội chỉ có dép cao su nên điệu múa “khoe giày” không có đủ công cụ để múa. Tuy nhiên, bác động viên: “Các cháu cứ yên chí, đến khi hòa bình các cháu sẽ có giày đi”. Tương lai tươi sáng về một ngày hòa bình lặp lại trong lời dặn của vị cha già kính yêu đã tiếp thêm niềm hy vọng, là động lực to lớn để bà và các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu, giành độc lập đất nước sau này.
Ký ức về những lần gặp gỡ Bác Hồ tuy cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng trong tâm trí Thượng tá Trần Thị Ngà hay Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp vẫn còn vẹn nguyên. Với bà Diệp, Bác là vị lãnh tụ nhưng lại gần gũi, thân thuộc tới lạ thường.
Năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị thường xuyên được Bác mời biểu diễn và ăn cơm cùng Bác. Khi hỏi về bữa ăn thân thuộc ấy, chúng tôi bỗng thấy ánh mắt bà trở nên vui tươi hơn. Bà thuật lại câu chuyện cặn kẽ đến từng chi tiết.
Bác Hồ không ăn trước mà đi từng chỗ động viên các chiến sĩ ăn cho no. Thời điểm đó, rất đông chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết. Bác hỏi: “Ở đây có cháu nào tập kết ra Bắc không?” và dặn dò: “Các cháu ra đây phải đoàn kết với mọi người và làm việc thật tốt”.
Thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt, nhưng với người nữ văn công, Bác như “một ông thánh”, một anh hùng, vĩ nhân nhưng rất đỗi giản dị, đời thường: “Bác dí dỏm mà vui lắm, làm cho những người tiếp xúc được thoải mái sung sướng, không chỉ từ cái ăn, ngay cả trong cách nói chuyện, ứng xử của Bác”.
Bấy giờ, sau mỗi bữa ăn thường có kẹo và kem. Không phải ai cũng được gặp Bác Hồ nên Bác dặn phải “mang quà về cho các cháu ở nhà”.
“Thưa Bác, cháu mang kem về ạ!”, Bà Diệp vừa cười vừa kể lại kỷ niệm hóm hỉnh trêu Bác. “Dù có bị Bác "cốc yêu" cho một cái nhưng tôi vẫn vui lắm, thích lắm. Lấy kẹo về cho các bạn ở nhà, bao giờ cũng phải giữ lại cho mình một hai cái, để đến mấy hôm sau mới dám ăn”, bà không thể giấu được niềm xúc động khi nói về viên kẹo thơm thảo Bác tặng năm nào.
Cũng là viên kẹo nhỏ chứa chan tình yêu thương từ Bác, đối với NSƯT Thúy Đạt (71 tuổi), đây là cái “lộc” mà bà được nhận từ Người. Cuối năm 1964, khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, NSƯT Thúy Đạt khi ấy mới chỉ hơn 10 tuổi, theo gia đình đi sơ tán từ Nam Định đến Hưng Yên.
Trong một buổi chiều, khi đang ngoài đồng mót khoai mót lúa thì bà được bố (NSƯT trống chèo Văn Hùng - nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam) gọi về biểu diễn hát chèo cho Bác xem. “Con đi diễn cho Bác Hồ, diễn cho Bác Hồ xem á?”, vừa kể, bà vừa bày tỏ lại cảm giác vỡ òa trong hạnh phúc thời điểm ấy.
“Tôi đi luôn, đi luôn, bỏ việc chạy luôn, mà hình như là quần vẫn còn đang buộc cọng rơm”, NSƯT Thúy Đạt cười nói.
Trang phục thiếu thốn, được mẹ vội vàng sửa soạn cho bộ đặc biệt giữ lâu trong tủ, nhất là chiếc quần chân què và áo của chị gái, cô bé Thúy Đạt tung tăng nhảy chân sáo lên xe đi từ Hưng Yên lên Hà Nội biểu diễn.
“Vinh dự lớn lao nhất trong cuộc đời là gặp Bác Hồ mà cái này không phải là ai cũng có đâu, mình được gặp là quá sung sướng”, nghệ sĩ Thúy Đạt nói.
Bước vào Phủ Chủ tịch với nhiều sự lạ lẫm của một đứa trẻ vùng nông thôn, cô gái ngân nga câu hát chèo ca ngợi quê hương, đất nước bằng cả tấm lòng. Không quan trọng vẻ hào nhoáng, phải mặc trang phục sặc sỡ, dù chỉ là những bộ quần áo giản đơn, Bác vẫn chăm chú xem và động viên tinh thần các cháu và “có một chút gì đó thương quý” như những người thân trong gia đình. Trong trí nhớ của bà, Bác “gầy và thương lắm”!
Theo lời NSƯT Thúy Đạt, sau khi buổi diễn kết thúc, Bác cho mỗi một người là một cái kẹo. “Tôi mang về, đương nhiên là không ăn rồi. Tôi gói kỹ lắm, thật kỹ luôn để gửi về cho mẹ”, bà nhớ lại. Qua năm tháng, viên kẹo chắc chắn sẽ chảy ra nhưng với bà đây là kỷ niệm, là “tư liệu ‘thèm’ nhưng không bao giờ có được”.
Từ lần được biểu diễn cho Bác xem, nhận viên kẹo ngọt ngào tình thương của Bác, điều đó trở thành động lực cho NSƯT Thúy Đạt nuôi ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp sau này và nhen nhóm ước mơ được biểu diễn cho Bác nghe lần nữa. Nhưng chưa kịp hoàn thành, năm 1969, nghe tin Bác mất, nghệ sĩ Thúy Đạt không khỏi bàng hoàng.
Trong căn phòng nhỏ trò chuyện cùng PV Dân Việt, không khí như lặng lại, bà rưng rưng khi nhắc về khoảnh khắc đó: “Mình cảm thấy mình mất đi điều gì đó cao quý lắm, hụt hẫng lắm. Chẳng ai bảo ai, mọi người vây kín quanh tất cả các đài công cộng chật phố. Ngày hôm đó coi như không có ai làm việc gì hết cả”, bà kể lại.
NSƯT Thuý Đạt chia sẻ, phải hiểu và thương Bác thật thì mới thấy rằng đó là từ trái tim mình xuất phát ra.
“Tôi thương bác lắm. Lần đó được gặp Bác trực tiếp và sau này xem lại những thước phim tư liệu, nhìn từ đôi dép cao su, từ hình ảnh cụ gầy gò chỉ có da bọc xương, má hóp vào... là tôi chảy nước mắt”, NSƯT Thuý Đạt bộc bạch.
Còn với Thượng tá Trần Thị Ngà, một trong những số ít người được lựa chọn phục vụ Bác trong 8 năm (1961-1969), bà thương Bác ở cả trong những bữa ăn đời thường.
"Bữa ăn của Bác rất thanh đạm một bát canh, khi thì mấy quả cà, khi thì đĩa dưa chua, khi thì khúc cá kho. Đồng chí Vũ Kỳ nói rằng bữa ăn của Bác chất lượng nhất là ở bát canh bởi canh ninh từ xương, thịt cá vì Bác không ăn được nhiều", Bà Ngà xúc động kể lại.
Trong một bữa ăn được ăn chung với Bác, bà Ngà được Bác gắp cho một miếng nem. Bác bảo với bà: “Ngày xưa, Bác cũng thích nem rán lắm, nhưng lúc đó không có mà ăn, bây giờ có thì lại không ăn được”, bà Ngà nghe xong thì khóc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho những nghệ sĩ có dịp gặp Người, đặc biệt hơn là được biểu diễn cho Bác xem. Gần 55 năm Bác đã đi xa, song những người từng được gặp Bác đều có chung niềm vinh dự, tự hào, vừa kính phục, vừa ngưỡng mộ lại vừa thân thương về vị cha già của dân tộc, lãnh tụ của đất nước.
Theo chia sẻ của NSƯT Thúy Đạt, hình ảnh chân thực và những giá trị cao đẹp trong con người Bác không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ mà còn là động lực tinh thần to lớn giúp họ không ngừng phấn đấu trở thành những tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, công tác, đồng thời soi đường dẫn lối cho các thế hệ trẻ đi tới tương lai.