Những “bảo bối” người Ai Cập cổ đại nhất quyết mang sang cõi âm
Theo các nhà nghiên cứu, người Ai Cập cổ đại thường được chôn cất cùng một số "bảo bối" sau khi qua đời. Đó là: Tử thư, lưỡi vàng, tượng Shabti, tranh chân dung người chết...
Thông qua việc phát hiện các ngôi mộ của người Ai Cập cổ đại, giới nghiên cứu đã tìm hiểu tập tục mai táng. Nhờ vậy, họ giải mã được những "bảo bối" thường được chôn cùng người Ai Cập sau khi qua đời.
Một trong những "bảo bối" không thể thiếu được chôn cùng người chết là bản sao cuốn "Tử thư". Còn được gọi là "Sách của người chết", nội dung của cuốn sách này nhằm dẫn lối cho người chết ở thế giới bên kia.
Ví dụ như trong "Tử thư" có mô tả những gì mà người Ai Cập thời cổ đại tin là người chết sẽ gặp các thử thách ở cõi âm bao gồm nghi lễ cân trái tim. Theo đó, trái tim của người quá cố sẽ được cân thăng bằng với chiếc lông vũ của Nữ thần Maat, vị thần công lý.
Nếu trái tim nhẹ hơn chiếc lông vũ thì chứng tỏ khi còn sống, họ đã làm nhiều điều tốt đẹp, sống lương thiện nên sẽ có cuộc sống an yên tại vùng đất của các vị thần. Ngược lại, trái tim nặng hơn chiếc lông vũ thì họ sẽ phải chịu nhiều trừng phạt ở cõi âm vì đã gây ra nhiều tội ác khi còn sống.
Sau khi qua đời, người quá cố còn được chôn cùng tranh chân dung của bản thân. Bức tranh chân dung được các họa sĩ vẽ sống động như thật trên tấm gỗ hoặc vải liệm.
Tượng Shabti hay ushabti cũng được chôn cùng người Ai Cập cổ đại sau khi qua đời. Đó là những "gia nhân" sẽ phục vụ, hầu hạ người quá cố ở thế giới bên kia.
Các tượng Shabti được làm từ đất nung trơn. Những gia đình giàu có có thể dát vàng lên những bức tượng để thể hiện sự xa hoa, quyền quý. Trong mộ của người chết còn có những chiếc bình canopic đựng các cơ quan nội tạng như phổi, gan, ruột, dạ dày... được thợ ướp xác loại bỏ khỏi thi thể để ướp xác riêng.
Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, mỗi cơ quan nội tạng của người chết được một trong những người con trai của thần Horus bảo vệ.
Trong một số xác ướp có niên đại vào thời kỳ Hy Lạp - La Mã (năm 332 trước Công nguyên đến năm 395 sau Công nguyên), các chuyên gia phát hiện những chiếc lưỡi làm bằng vàng tinh xảo.
Theo giới nghiên cứu, người Ai Cập cổ đại đặt lưỡi vàng trong miệng người chết để họ có thể nói chuyện với các vị thần ở thế giới bên kia. Thêm nữa, người Ai Cập thời đó tin rằng thịt của các vị thần là vàng.