Chiều 20/5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị đã tuyên thệ và phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Ông là vị lãnh đạo thứ 13 của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vị lãnh đạo đầu tiên của Quốc hội là Cụ Nguyễn Văn Tố (1889 -1947), Cụ giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) từ tháng 1/1946 -11/1946.
Người thứ hai đảm nhiệm chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 -1955), Cụ giữ chức vụ trên từ tháng 11/1946 –4/1955.
Cả Cụ Nguyễn Văn Tố và Bùi Bằng Đoàn là nhân sĩ trí thức, được Bác Hồ mời ra làm việc.
Trong lịch sử của Quốc hội, ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu – 1907 -1988) là người có thời gian giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) dài nhất. Ông giữ chức vụ này từ tháng 9/1960 -7/1981 (21 năm). Trước khi đảm nhiệm chức vụ này, ông Trường Chinh là Tổng Bí thư từ tháng 5/1941 -10/1956, sau đó làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước.
Ông Trường Chinh là Đại biểu Quốc hội 6 khóa liên tục II, III, IV, V,VI, VII. Năm 1981, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đến năm 1986, tại Hội nghị Trung ương đặc biệt, ông được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhà cách mạng Trường Chinh là người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới.
Trong lịch sử các đời Chủ tịch Quốc hội, có một vị xuất thân từ Quân đội, ông có quân hàm Trung tướng. Ông là Lê Quang Đạo (1921 -1999), ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ tháng 6/1987 -9/1992.
Tính từ giai đoạn đổi mới tới nay, có 2 nhà lãnh đạo sau khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội đã giữ chức Tổng Bí thư. Đó là đồng chí Nguyễn Phú Trọng (giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ tháng 6/2006 -7/2011) và đồng chí Nông Đức Mạnh (giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ tháng 9/1992 -6/2001).
Tính đến nay, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội duy nhất. Bà Ngân giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ tháng 3/2016 -3/2021.