Hành động bẻ khớp ngón tay như một phản xạ tự nhiên để giải toả cảm giác khó chịu do tê mỏi. Nhiều người say mê tiếng "rắc rắc" khi bẻ khớp bởi nó còn xoa dịu căng thẳng và lo âu. Trong khi một số khác lại cho rằng việc bẻ ngón tay giúp tăng cường vận động khớp và tốt cho khớp.
Theo PGS.TS.BS Dương Đình Toàn, Phó Trưởng khoa Khám xương khớp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cơ chế tạo ra tiếng "rắc" khi bẻ ngón tay cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một nghiên cứu cho rằng khi bẻ ngón tay sẽ tạo ra khoang áp lực âm trong khớp, sự thay đổi áp lực này gây ra tiếng kêu.
Nghiên cứu khác cho thấy tiếng "rắc" được tạo ra do nổ bóng khí có trong dịch khớp do sự thay đổi áp lực trong khớp khi bẻ khớp, hiện tượng này giải thích vì sao không thể tạo ra tiếng kêu hai lần liên tiếp mà phải chờ một thời gian để bóng khí được tái lập. Ngoài ra, khi bẻ khớp có thể tạo ra âm thanh khác do sự dịch chuyển của diện khớp cũng như dây chằng quanh khớp.
"Hiện tại chưa có bằng chứng về hậu quả gây hại khi bẻ ngón tay. Tuy nhiên đã có những báo cáo về tình trạng trạng trật khớp hoặc tổn thương dây chằng khi bẻ ngón tay quá mạnh gây sưng đau ở khớp. Hiện tượng này chỉ mang tính chất đơn lẻ, không có tính quy luật", bác sĩ Toàn nói.
Tuy không có bằng chứng về tác hại lâu dài như thoái hoá khớp, viêm khớp, nhưng khi bẻ ngón tay quá mức có thể dẫn đến tổn thương dây chằng, trật khớp, gây sưng đau ảnh hưởng đến chức năng của khớp.
"Mặc dù bẻ ngón tay không gây đau hay tổn thương tức thời, nhưng cần lưu ý nếu có các dấu hiệu đau hoặc sưng khớp sau khi bẻ ngón tay nên đi khám bác sĩ chuyên khoa bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn như viêm khớp hoặc gút", bác sĩ Toàn cho biết.
Khi đối mặt với căng thẳng, lo âu, nhiều người có xu hướng bẻ tay một cách vô thức như một cách giải tỏa tâm lý. Vị chuyên gia này khuyên rằng thay vào đó hãy thử các thú vui lành mạnh khác như chơi thể thao, thiền định... Những hoạt động này không chỉ giúp giảm stress hiệu quả mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.