Sáng 23/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024.
Phát biểu tại tổ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, kết quả tăng trưởng GDP rất "đáng biểu dương" khi Quí I năm 2024 tăng 5,66%, cả năm 2023 là trên 5%, cao so với khu vực và thế giới.
Tuy vậy, mức tăng này chưa đủ nếu chiếu theo nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu giai đoạn 2021 - 2025, GDP phải tăng từ 6,7-7%. Để đạt mức như vậy, GDP của năm 2024 và 2025 phải tăng khoảng 8%.
"Phải phấn đấu, đột phá thế nào để bù cho 3 năm trước. Cách gì đây? Đây là cái khó khăn, thách thức về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, dù Quý I tăng 5,66% là tốt nhất trong 3 năm gần đây", ông Thanh đánh giá.
Về chất lượng tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng chỉ tiêu tăng năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu nguồn nhân lực của chúng ta hiện "cái cần không có, cái có doanh nghiệp không cần"; như việc đào tạo kỹ sư cho công nghiệp bán dẫn là chính sách cần triển khai trong thời gian tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhìn xa hơn về chất lượng nguồn dân số của Việt Nam, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, cần đưa ra chỉ tiêu về tỉ lệ sinh bởi không đạt 2.1 "là rất căng" (mức sinh thay thế trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 2,1 con/mẹ - PV)
Nhắc lại việc cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu tại Quốc hội, cho thấy tỉ lệ sinh nơi này chỉ "dưới 1.4", ông Thanh băn khoăn về chất lượng dân số Việt Nam sau này khi: "Người có trình độ không chịu đẻ nhưng vùng khó khăn, không phải sinh ở mức 2.0 mà lại lên tới mức 3 - 5. Chỗ không có điều kiện đẻ rất dữ, chỗ có điều kiện không chịu đẻ".
Phân tích thêm về cải cách hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay doanh nghiệp vẫn phản ảnh thủ tục hành chính trì trệ.
Ông chỉ ra nguyên nhân: "Tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức là có sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy. Trước đây quyết đấy nhưng giờ không dám quyết, phải hỏi bộ ngành này kia, báo cáo cấp ủy… Có vấn đề còn gửi Thường vụ Quốc hội dù không có cách hiểu khác nhưng vẫn hỏi cho an toàn nên không giải quyết được cho doanh nghiệp".
Ông Thanh cũng phân tích về nhiều vấn đề khác nhau của nền kinh tế như số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn; chi phí vận tải cao; trái phiếu doanh nghiệp đến hạn 300.000 tỷ đồng; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn mờ nhạt… và đề nghị các đại biểu có kiến nghị, giải pháp gửi Quốc hội.