Kế hoạch này sẽ phát huy tối đa vai trò trung tâm của hợp tác xã nhằm xây dựng vùng sản xuất rau an toàn của TP.HCM.
Cụ thể, để phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, TP sẽ tổ chức cho các hợp tác xã khảo sát, học tập các mô hình hợp tác xã điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Tập huấn kinh tế tập thể kết hợp tư vấn, vận động xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp trong xây dựng nông thôn mới cho các hộ sản xuất, kinh doanh rau an toàn.
Bên cạnh đó, xây dựng phóng sự phát sóng trên đài truyền hình về vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực rau an toàn.
Đồng thời, TP cũng đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế tập thể, bằng cách thông tin tuyên truyền, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn.
Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, học tập tại các tỉnh, thành phố khác về tham mưu, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển rau an toàn; xây dựng phóng sự phát sóng trên đài truyền hình về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển rau an toàn.
Về phát triển chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn, TP sẽ tăng cường hỗ trợ chứng nhận VietGAP trồng trọt (TCVN 11892 - 1:2017), HACCP cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau quả, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau quả trên địa bàn TP.
Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn TP, năm 2024, với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và hiệu quả sản xuất; góp phần phát triển ngành nông nghiệp TP theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, trong năm 2024, TP đặt kế hoạch xây dựng vùng sản xuất rau là 3.200ha (diện tích gieo trồng 20.450ha), sản lượng ước đạt 605.320 tấn. Sưu tập, chọn tạo 12 giống rau phù hợp với điều kiện canh tác tại TP; cung cấp cho thị trường 400-500 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 560.000-700.000ha gieo trồng.
Đồng thời, tỷ lệ diện tích sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15-20% tổng diện tích gieo trồng rau của TP. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 470 ha; diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 6-8 ha; hỗ trợ chứng nhận VietGAP trồng trọt cho 150 cơ sở sản xuất rau và 5 cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1ha đất trồng rau đạt bình quân 800-820 triệu đồng/năm; giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-35% tổng giá trị rau.