Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn một số nội dung có ý kiến khác nhau.
Trong đó, có đề xuất bổ sung quy định Bộ công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho lực lượng cảnh sát giao thông. Khoản tiền được trích này sẽ quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, một số đại biểu quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về đề xuất này và chuyên gia cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đồng tình với đề xuất này, tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, khi thực hiện cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, không để xảy chồng chéo với Luật xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện nay Nhà nước, cơ quan chức năng đều muốn công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngày càng tốt lên. Bởi vậy, theo ông Tạo, nếu như trích một phần tiền để đầu tư cho những hoạt động nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông sẽ rất tốt.
"Những việc đầu tư đó có thể là đầu tư trang thiết bị; bồi dưỡng cho các lực lượng không chuyên tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đầu tư cho công tác giáo dục về giao thông; công tác khắc phục những hậu quả, động viên những gia đình không may có người bị tai nạn giao thông…
Tất cả những hoạt động này tôi cho rằng cần thiết và việc sử dụng một phần tiền từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước cũng là phù hợp", ông Tạo nói.
Trong khi đó ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lại băn khoăn về kiến nghị nêu trên. Ông Liên cho hay, khi thực hiện việc trích tiền cho lực lượng cảnh sát giao thông dễ phát sinh "tiêu cực" và gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
"Tôi cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ đối với đề xuất, kiến nghị nêu trên. Bởi nếu như cảnh sát giao thông được trích lại tiền thì các địa phương họ cũng sẽ kiến nghị trích lại một phần tiền từ thu từ lòng đường, vỉa hè để đầu tư cho địa phương, để bồi dưỡng cán bộ. Và như vậy, có thể phát sinh ra nhiều tiêu cực khác mà Nhà nước khó có thể quản lý được. Ngành nào, họ cũng đều có lý do của họ, đều có những lý lẽ riêng", ông Liên bộc bạch.
Ngoài ra theo ông Liên, trước đây đã có một dự thảo, sau đó, dự thảo luật xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bỏ nội dung này.
Anh Nguyễn Văn Hóa, lái xe taxi ở Hà Nội cho biết, việc trích lại tiền từ việc xử phạt vi phạm nhằm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa cho CSGT cũng rất cần thiết.
"Tuy nhiên, việc trích tiền này cần phải được tính toán kỹ lưỡng, cụ thể. Nếu như trích tiền thì con số cụ thể là bao nhiêu và việc quản lý số tiền này cũng phải hết sức chặt chẽ để tránh phát sinh tiêu cực và cần phải tạo sự công bằng giữa các ngành nghề, đơn vị khác nhau", anh Hóa bày tỏ.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhất trí với đề xuất trên và cho rằng việc này sẽ góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát giao thông, góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa và giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đường bộ, góp phẩn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Và một ví dụ điển hình có thể kể đến là trong đợt cao điểm an toàn giao thông vừa qua, để kiểm soát các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông đã áp dụng các trang thiết bị hiện đại, bổ sung nguồn nhân lực.
Kết quả, phát hiện, xử phạt được rất nhiều trường hợp vi phạm, từ đó kiểm soát rất hiệu quả hành vi này. Điều này góp phần tạo nên sự thay đổi, rõ rệt trong nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông đối với hành vi sử dụng rượu bia.
"Như vậy tôi cho rằng nếu có kế hoạch sử dụng khoản ngân sách này đúng đắn, kịp thời, hiệu quả như mua sắm trang thiết bị hiện đại, học tập các phương pháp, kiến thức, kinh nghiệm quốc tế, bổ sung nguồn nhân lực… sẽ nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng cảnh sát giao thông và đạt được các mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất", luật sư Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ngoài những điểm tích cực, luật sư Tuấn Anh cũng bày tỏ những lo ngại việc sử dụng một phần ngân sách này cho riêng lực lượng cảnh sát giao thông có thể sẽ phát sinh nhiều bất cập.
Bởi theo luật sư nếu đề xuất không làm rõ được việc đề xuất tỷ lệ phần trăm trích tiền dựa trên cơ sở, căn cứ nào sẽ gây bất bình trong dư luận xã hội nói chung và cách ngành nghề khác nói riêng.
Đặc biệt, mỗi địa phương sẽ có nguồn thu từ xử phạt lĩnh vực này khác nhau, có sự chênh lệch rất lớn, vì thế không thể áp dụng bình quân 70% cho mỗi địa phương được. Thêm nữa, nếu nguồn ngân sách này không sử dụng vào việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa… mà còn sử dụng vào để trích thưởng cho cá nhân cảnh sát giao thông sẽ dẫn đến sử dụng không đúng mục đích, tạo nên dư luận xấu cho cả lực lượng cảnh sát giao thông.
"Vì vậy, đi đôi với ban hành cơ chế trên tôi cho rằng nhất thiết phải ban hành các quy định rõ ràng và chi tiết về việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn thu này", luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cũng cho biết thêm, đề xuất này còn nhiều bất cập và mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt còn rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích phần trăm còn lĩnh vực khác thì không?
"Pháp luật phải được triển khai công bằng, minh bạch nên cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ giữa các lĩnh vực xử phạt quy định hành chính, tránh gây ra mâu thuẫn giữa các lĩnh vực cũng như ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước theo quy định chung", luật sư Tùng nói.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020 có quy định: "Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước".
Điều 35 và Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước 2015 có quy định: Nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc địa phương được hưởng 100% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, theo các quy định trên, bất cứ nguồn thu nào từ xử phạt vi phạm hành chính đều được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Trên thực tế hiện nay Luật ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có đầy đủ các quy định về việc phân bổ, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Do vậy, luật sư Tùng cho rằng không cần thiết phải có quy định riêng về việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cho lực lượng CSGT như dự thảo đang đề xuất.