Lịch sử Việt Nam ghi nhận trường hợp một vị vua rất đặc biệt. Ông lên ngôi khi chỉ mới 8 tuổi, là người đứng ra lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp mà đến nay vẫn khiến hậu thế phải nhắc đến. Trong số các ông hoàng triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, vị vua yêu nước này càng trở nên đặc biệt hơn cả. Ông chính là Duy Tân.
Vua Duy Tân (1900 – 1945) tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, con của vua Thành Thái và tài nhân Nguyễn Thị Định. Năm 1907, hoàng tử Vĩnh San khi đó 7 tuổi (sử sách thường ghi 8 tuổi vì triều đình xin tăng) đã lên làm vua. Bấy giờ quần áo còn chưa kịp may cho vua, Vĩnh San đành mặc long bào của cha để lại. Cậu bé vóc người nhỏ nhắn, khoác lên mình bộ quần áo đủ cân đai nặng đến 5kg nên đi không nổi, chỉ có thể ngồi một chỗ.
Nhưng bên trong một vị vua nhỏ con, có vẻ ngờ nghệch, ốm yếu lại là một người có đủ khí chất vương quyền. Khi tiếp Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, Duy Tân ngồi đĩnh đạc, nói chuyện bằng tiếng Pháp khiến ai cũng nể phục.
Duy Tân là một ông vua rất ham học hỏi, có tài năng trong nhiều lĩnh vực. Ông am hiểu rộng, lại giỏi nghệ thuật, được giáo sư Ébérhard (người dạy Pháp văn, Triết, Chính trị học) nhận xét:"Vị thiếu đế này sẽ là nhân vật không tầm thường".
Càng lớn, vua Duy Tân càng thể hiện rõ ý chí chống Pháp của mình. Năm 12 tuổi ông đã phản ứng mạnh mẽ khiến toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut phải yêu cầu dừng việc đào bới tìm kho báu trong lăng Tự Đức. Chứng kiến người Pháp ngày càng lộng quyền, Duy Tân ngày càng cho thấy sự “cứng đầu” của mình.
Khâm sứ Trung kỳ Charles từng báo cáo với toàn quyền Đông Dương về vua Duy Tân như sau:“Ông ta nói rằng mình sinh ra là để chỉ huy chứ không để phục tùng”.
Liên quan đến vua Duy Tân, ông có một câu nói rất nổi tiếng, nay vẫn được nhắc đến nhiều. Mùa hè năm đó vua đến biển Cửa Tùng. Thị vệ khi nhìn thấy vua đi từ bãi tắm lên với 2 bàn tay lấm lem đất cát thì vội đưa nước đến cho ông rửa. Vua liền hỏi: “Tay bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn lấy chi mà rửa?”.Thị vệ hốt hoảng không biết trả lời ra sao. Lúc bấy giờ, vua liền nhấn mạnh: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!”.
Năm 15 tuổi, ông liên lạc với Việt Nam Quang phục Hội của Phan Bội Châu, định tổ chức khởi nghĩa. Đáng tiếc ý định này bị bại lộ, vua bị bắt và đưa đi đày ở châu Phi cùng vua Thành Thái cùng mẹ, vợ, em gái.
Tại nơi lưu đày, vua Duy Tân từ chối biệt thự sang trọng, cùng gia đình sống trong một căn nhà thuê ở Sain-Denis. Ông học ngành kỹ thuật vô tuyến điện và mở cửa tiệm buôn bán, sửa chữa radio. Bên cạnh đó, vị vua Việt còn học ngoại ngữ, luật học.
Sau khi Thế chiến thứ hai bắt đầu, vua Duy Tân đã thu thập tin tức nước ngoài để chuyển về cho lực lượng kháng chiến. Là một trong ba vị vua yêu nước của nhà Nguyễn (Duy Tân, Hàm Nghi, Thành Thái), nhưng Duy Tân vẫn được đánh giá khác biệt bởi dù bị lưu đày vẫn có hoạt động yêu nước, luôn canh cánh nỗi đau mất nước.
Năm 1945, Việt Nam giành lại được độc lập, vua Duy Tân lại bất ngờ gặp tai nạn máy bay ở châu Phi. Vụ rơi máy bay ở Cộng hòa Trung Phi vào ngày 26/12/1945 đã cướp đi sinh mạng vị vua yêu nước này. Mãi đến năm 1987 (tức 42 năm sau), thi hài của ông mới được đưa về Việt Nam và an táng tại Lăng Dục Đức, cạnh mộ vua Thành Thái.