Nhắc đến các môn phái trong phim kiếm hiệp Kim Dung , chắc hẳn khán giả sẽ nhớ đến các nam hùng hảo hán nghĩa hiệp, mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không ít môn phái trong đó đưa ra quy định ngặt nghèo: Chỉ tuyển nữ giới. Từ đây, nhiều cái tên nữ hiệp đã ra đời, khiến bao thế hệ khán giả mê say như Tiểu Long Nữ, Quách Tương, Chu Chỉ Nhược, Nghi Lâm, Lý Mặc Sầu…
Nổi tiếng nhất trong đó là 3 môn phái: Nga Mi, Cổ Mộ, Hằng Sơn.
Nga Mi là tên gọi một môn phái võ thuật có thật tại Trung Hoa ra đời tại núi Nga Mi và được truyền bá rộng rãi ở Tứ Xuyên.
Sự tồn tại của môn phái này đã được nhà văn Kim Dung nhắc đến trong bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký, cho rằng Nga Mi cùng với Thiếu Lâm, Võ Đang là ba môn phái lớn nhất của võ thuật.
Sư tổ sáng lập ra Nga Mi võ phái là Quách Tương , con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung.
Quách Tương được thừa hưởng rất nhiều đức tính của mẹ: thông minh, lanh lợi, bướng bỉnh và đặc biệt là rất si tình. Từ năm 16 tuổi, Quách Tương đã ôm mối tình đơn phương nhiều đau khổ với Dương Quá.
Trong một lần lên Thiếu Lâm, Quách Tương tình cờ được đại sư Giác Viễn truyền thụ lại một phần võ công trước khi ông qua đời.
Trải qua nhiều biến cố, cha mẹ tử nạn, tình yêu không được đáp lại, Quách Tương quá đau buồn đã đi tu và trở thành người sáng lập ra Nga Mi Phái, đồng thời là chủ nhân đầu tiên của Ỷ Thiên Kiếm – thanh kiếm do cho mẹ cô rèn thành.
Tuy chỉ thu nạp nữ đệ tử nhưng Nga Mi cũng không hề yếu đuối, luôn hành hiệp trượng nghĩa, cứu người giúp đời.
Các nữ hiệp thuộc phái Nga Mi được nhiều khán giả yêu mến: Quách Tương, Chu Chỉ Nhược.
Cổ Mộ là môn phái được nhắc đến nhiều nhất trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, với hai nhân vật chính là Tiểu Long Nữ và Lý Mặc Sầu. Môn phái này được sáng lập bởi Lâm Triều Anh.
Đau đớn vì mối tình bất thành với Giáo chủ Toàn Chân Giáo Vương Trùng Dương, Lâm Triều Anh trở nên oán ghét đàn ông và lập ra môn phái Cổ Mộ ngay phía sau Chung Nam Sơn, bản địa của phái Toàn Chân.
Bí kíp chân truyền của phái Cổ Mộ là Ngọc Nữ Tâm Kinh, ghi lại những võ công tâm đắc nhất của Lâm Triều Anh. Đồ tôn của bà sau này là Tiểu Long Nữ và Dương Quá đã phát huy được môn nội công này, luyện thành Ngọc Nữ Kiếm Pháp với tuyệt chiêu Song Kiếm Hợp Bích oai trấn giang hồ.
Dù phái Cổ Mộ do Lâm Triều Anh lập ra với tôn chỉ ‘chỉ dung nạp đệ tử nữ’, nhưng đến đời chưởng môn Tiểu Long Nữ, nàng đã thu nhận Dương Quá làm đệ tử.
Sau này, Tiểu Long Nữ đã cùng Dương Quá kết thành phu phụ, quy ẩn giang hồ, sống một cuộc sống tự do tự tại.
Nằm trên dãy núi cao ở Hà Bắc, Hằng Sơn là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), khởi đầu bởi Hiểu Phong sư thái, đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia).
Nhân vật nổi tiếng nhất của phái Hằng Sơn là ni cô Nghi Lâm. Cô nổi tiếng là một trong những nhân vật nữ khả ái nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Bố là hòa thượng, mẹ cũng là một ni cô, Nghi Lâm xuất gia từ nhỏ.
Cô sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp và có một tâm hồn trong sáng, một trái tim nhân hậu. Khi đến thành Hành Dương, cô đã thầm yêu Lệnh Hồ Xung khi anh chàng này xả thân cứu cô khỏi bàn tay của Điền Bá Quang.
Tình cảm của Nghi Lâm trong sáng, câm lặng, cô luôn khẩn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng. Kết thúc bộ phim Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung và đồng môn phái Hằng Sơn tôn cô làm chưởng môn nhưng cô đã nhất quyết không chịu, lặng lẽ tu hành, ngày ngày tụng kinh mong Bồ Tát phù hộ nhân thế.
Ngoài ra phái Hằng Sơn còn nhiều nhân vật nữ khác như Nghi Thanh, Nghi Hòa, Tần Quyên, Vu Tẩu..., có người là tu hành, có người là đệ tử tục gia.
Có một số đệ tử tạm thời, là những anh hùng hảo hán đã đi theo Lệnh Hồ Xung lên chùa Thiếu Lâm cứu Thánh Cô, trong đó có cả sáu anh em Đào Cốc lục tiên.