Dân Việt

Quy hoạch chung TP.HCM: Phấn đấu giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị

Gia Linh 28/05/2024 11:29 GMT+7
TP.HCM đặt mục tiêu quy hoạch chung trong các năm tới sẽ phấn đấu sử dụng đất và đầu tư hạ tầng hiệu quả với quy mô đô thị cực lớn, giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa.

TP.HCM đặt mục tiêu giảm sử dụng đất đô thị

UBND TP.HCM vừa có tờ trình về báo cáo tình hình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo nội dung đồ án, UBND TP xác định định hướng quy mô dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2030 là 11 triệu người, đến năm 2040 là 13 triệu người; đến 2050 là 14,5 triệu người và đến năm 2060 là 16 triệu người.

Đối với chỉ tiêu, quy mô đất xây dựng đô thị, thành phố xác định việc tính toán, đề xuất quy mô đất xây dựng đô thị cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo mô hình phát triển của các thành phố lớn tương tự trong khu vực.

Từ đó, đề xuất chỉ tiêu và quy mô đất xây dựng đô thị phù hợp cho TP.HCM (ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải). Hướng tới mục tiêu sử dụng đất và đầu tư hạ tầng hiệu quả với quy mô đô thị cực lớn, giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa. Đồng thời, tăng cao giá trị khai thác đất, thuận lợi đầu tư hạ tầng tập trung, giữ lại đất tự nhiên cho mảng xanh sinh thái, dành đất dự trữ phát triển cho tương lai.

Quy hoạch chung TP.HCM: Phấn đấu giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị- Ảnh 1.

TP.HCM hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa trong các năm tới. Ảnh: Gia Linh

Lãnh đạo TP.HCM cho biết về phân vùng, quan điểm, nguyên tắc phân vùng thành phố theo chiến lược phát triển không gian và cấu trúc đô thị hiện hữu của TP.HCM với tầm nhìn là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, định hướng phát triển không gian kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt trong phạm vi Vành đai 2, Vành đai 3 và ngoài Vành đai 3.

Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống trung tâm, các khu vực động lực phát triển và các trục phát triển như xây dựng cấu trúc thành phố đa trung tâm bao gồm các tầng bậc: Trung tâm thành phố; các trung tâm chính của các phân vùng thành phố, của thành phố trực thuộc thành phố; các trung tâm thứ cấp khu vực, bán kính phục vụ mang tính liên quận; các trung tâm thứ cấp ở các khu vực đô thị mang tính phường, xã; các khu vực đô thị động lực phân bổ theo các hướng phát triển, mang tính hỗn hợp hỗ trợ cho các chức năng chủ đạo như công nghiệp, logistics, công nghệ sáng tạo, giáo dục, y tế...

Quy hoạch chung TP.HCM: Phấn đấu giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị- Ảnh 3.

TP.HCM định hướng phát triển không gian kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm. Ảnh: Gia Linh

UBND TP cũng xác định các khu vực phát triển theo mô hình TOD sẽ ưu tiên gắn với các trung tâm phát triển mới, song song kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số khu vực tiềm năng, phù hợp với kế hoạch và tiến độ xây dựng các tuyến metro.

Đối với chiến lược và giải pháp chống ngập, TP được phân chia thành ba vùng chống ngập trong đó Vùng 2 là TP.Thủ Đức, Vùng 3 là huyện Cần Giờ, Vùng 1 là toàn bộ phần còn lại của địa phương.

Riêng định hướng quy hoạch không gian ngầm, thành phố xác định 3 khu vực bao gồm khu vực khuyến khích xây dựng không gian ngầm, khu vực xây dựng không gian ngầm có kiểm soát và khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm.

Trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng mục tiêu giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa là hợp lý nhưng điều này cần áp dụng khoa học cho vành đai xung quanh thành phố.

Cụ thể, chuyên gia cho rằng điều này chỉ có thể áp dụng vùng ngoại vi (các quận, huyện ngoại thành) vì khu vực nội đô không còn quỹ đất. Khu vực nội đô như quận 1, quận 3, quận 4… hiện không còn quỹ đất, không gian dù là để xây dựng thêm đường giao thông. 

Vì vậy, có thể áp dụng để vòng ngoài đô thị xanh hơn bằng cách hạn chế mật độ xây dựng công trình nhà ở, chung cư…, tăng mảng xanh để hạn chế độ quá tải đô thị. Đặc biệt, cần chú ý đến phần diện tích tự thấm nước để tránh ngập lụt.