Mới đây, tại Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp triển khai thắng lợi công tác thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của ngành Tài chính và các địa phương trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian qua được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, công tác thu ngân sách đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% dự toán pháp lệnh, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Tuy nhiên năm 2024, công tác thu NSNN tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024. Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh triển khai HĐĐT, tăng cường chống thất thu, thực hiện xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương có xu hướng tăng cao (đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Việc sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều DN, tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao trong việc thực hiện.
Song song với đó, nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng, mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn.
Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT và đẩy mạnh việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu NSNN năm 2024 không vượt quá 8% và tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm 2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu NSNN năm 2024.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Lãnh đạo các tỉnh quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chỉ đạo các cơ quan tài chính tại địa phương thực hiện tốt công tác triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT);
Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện Cục Thuế, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa thể thao du lịch, Sở Giao thông vận tải,…; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai HĐĐT nói chung, triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Ngành Thuế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người mua hàng lấy HĐĐT một cách thuận tiện nhất, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT, vi phạm pháp luật về thuế.
Cơ quan chức năng rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các DN, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trì, dịch vụ thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo,… Thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số DN, HKD thuộc đối tượng phải áp dụng theo Kế hoạch triển khai của Cục Thuế).
Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các DN, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ HĐĐT; Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT, vi phạm pháp luật về thuế.
Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện tuyên truyền đối với người bán hàng và người mua hàng về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong việc đáp ứng yêu cầu phải xuất hóa đơn liên tục, 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng lấy HĐĐT một cách thuận tiện.
Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tình hình hoạt động của DN theo chuyên ngành, đồng thời phối hợp với cơ quan thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của DN, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn…