Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, theo quy định pháp luật, thừa kế có 2 loại: thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Nếu người chết để lại di chúc hợp pháp và trong di chúc có để lại cho con riêng, con nuôi thì con riêng, con nuôi được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
Trong trường hợp người chết để lại di chúc nhưng không cho con riêng, con nuôi được hưởng di sản mà con riêng, con nuôi chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất khả năng lao động chứng minh được mình thuộc hàng thừa kế theo pháp luật thì vẫn được hưởng 2/3 của một người thừa kế nếu chia theo pháp luật căn cứ Điều 644 BLDS 2015 về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Nếu người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, hoặc những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì di sản của họ sẽ được chia theo pháp luật.
Khi đó, căn cứ theo quy định tại Điều 651, BLDS 2015, người thừa kế theo pháp luật: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Về con riêng được hưởng thừa kế theo pháp luật?
Ngoài quy định tại Điều 651, còn dựa trên quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế:
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này."
"Quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con" theo hướng dấn tại Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao: việc xác định có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau trên thực tế như cha con, mẹ con thì cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con (Điều 69, 70, 71, 72), trong đó, phải đánh giá một cách toàn diện các yếu tố như: bố dượng, mẹ kế hàng tháng có trả tiền nuôi dưỡng, chăm sóc, chăm lo đến việc học tập, giáo dục con, thương yêu con... hoặc nếu bố dượng, mẹ kế không đủ điều kiện sinh sống ở mức độ trung bình ở địa phương thì con riêng đã chu cấp tiền nuôi dưỡng, chăm sóc hàng tháng... Đồng thời, mức độ quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau trên thực tế như cha con, mẹ con phải đảm bảo được cuộc sống của họ.
Căn cứ quy định nêu trên thì con riêng, bố dượng, mẹ kế chỉ cần có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trên thực tế như cha, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau, không bắt buộc những người này phải sống chung.
Như vậy, nếu chứng minh được có sự chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì con riêng vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của cha dượng, mẹ kế.
Về con nuôi được hưởng thừa kế theo pháp luật:
Cũng theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015, con nuôi cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất và mỗi người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, khi cha mẹ nuôi chết con nuôi hợp pháp có quyền được hưởng thừa kế di sản mà cha mẹ nuôi để lại.
Tuy nhiên, không phải trường hợp con nuôi nào cũng được pháp luật công nhận và được chia thừa kế như con đẻ theo quy định của pháp luật. Để được công nhận là con nuôi hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 về điều kiện của người nhận con nuôi, điều kiện của người được nhận làm con nuôi và đăng ký đúng quy định.
Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng lưu ý: Người được hưởng thừa kế không được thuộc các trường hợp không được hưởng di sản tại Điều 621 hoặc từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 BLDS 2015.