Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả nổi bật về công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI); tình hình hoạt động của các câu lạc bộ nông dân, câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" trên địa bàn tỉnh; tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động mô hình câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông".
Theo bà Lê Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân các cấp đã thực hiện nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra như: Thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; tập huấn trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nghiệp vụ công tác cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng Chi hội nông dân; lập mới chi hội nông dân nghề nghiệp...
Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; Nghị quyết "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết "Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế"; Nghị quyết "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua khen thưởng. Hiện nay, đang triển khai lấy ý kiến tham gia đối với 6 Nghị quyết. Đây là 10 Nghị quyết chuyên đề đã được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thông qua tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW ngày 20/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới.
Theo đó, Hội Nông dân các cấp đã chủ động đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và đối tượng, phát huy hiệu quả các mạng xã hội song song với hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp; tuyên truyền tại các kỳ sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân bằng phổ biến, trao đổi, hỏi đáp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, qua các hội thi, hội nghị tập huấn...
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh xây dựng, phát sóng chuyên đề “Nông dân Quảng Ninh hội nhập”; phát hành Trang Nông dân hằng tháng, tăng cường phối hợp tuyên truyền với Báo Nông thôn ngày nay và một số báo đóng trên địa bàn; kiện toàn bộ máy và chỉ đạo hoạt động của cổng thông tin điện tử thành phần Hội Nông dân tỉnh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Về tình hình hoạt động của các câu lạc bộ nông dân, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 435 câu lạc bộ và mô hình do Hội Nông dân thành lập và hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động, gồm: Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; câu lạc bộ "Nông dân với khoa học kỹ thuật"; câu lạc bộ "Nông dân với môi trường"; câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật"; câu lạc bộ "Nông dân với chuyển đổi số"; mô hình "Nông dân tự quản khu vực biên giới"...
Các câu lạc bộ, mô hình nông dân là tiền đề quan trọng tiến tới thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác Hội và phong trào nông dân của địa phương như: Tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, làm đường, hỗ trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn; tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP; liên kết sản xuất và tiêu thụ tại các hội chợ và trung tâm OCOP...
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.
Tham gia góp ý dự thảo Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động mô hình câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đường có một số ý kiến. Theo đó, ông Nguyễn Văn Đường đề nghị số lượng thành viên câu lạc bộ nên có ít nhất 10 người. Thành viên tham gia câu lạc bộ có thể là cán bộ, hội viên, nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông" nên chia 2 cấp để dễ hoạt động, sinh hoạt thực chất và hiệu quả. Câu lạc bộ cần quy định rõ sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần, tùy tình hình có thể tổ chức sinh hoạt đột xuất, chuyên đề.
Theo ông Đường, cần bổ sung quyền lợi của thành viên tham gia câu lạc bộ: Được giới thiệu tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do các cấp tổ chức; được tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật...
Cũng tham gia góp ý tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Đỗ Ngọc Nam đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo ban hành định hướng tuyên truyền sớm hơn, nhất là các thông tin có tính dự báo như thị trường nông sản.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Ngọc Nam bày tỏ mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong các buổi làm việc với Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 37, để các địa phương có căn cứ triển khai Nghị định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua, nhất là việc thành lập các câu lạc bộ, các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp để tập hợp, thu hút nông dân tham gia.
Gợi mở phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền những mô hình hay, cách làm tốt. Bên cạnh các hình thức truyền thống, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần bám sát, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 69 của Chính phủ, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ để phối hợp tham mưu cho chính quyền xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết, Quyết định quan trọng này.
Bà Bùi Thị Thơm đề nghị các cấp Hội trong tỉnh Quảng Ninh cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển hội viên nông dân, hội viên danh dự, thành lập câu lạc bộ, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp phù hợp với đặc thù địa phương.
Quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là đẩy mạnh, nâng chất phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng đến hỗ trợ, bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển thành các doanh nhân nông nghiệp, giám đốc hợp tác xã.
Phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ dạy nghề cho nông dân. Trong quá trình đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, các cấp Hội Nông dân cần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của nông dân và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.