Ngày 29/5, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị “Chia sẻ bài toán đặt hàng về nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh trên địa bàn TP. HCM”, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, bác sĩ và các doanh nghiệp khoa học, công nghệ.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cùng với ngành giáo dục và nhiều ngành khác, ngành y tế luôn nỗ lực và quyết tâm hết sức để phục vụ cho người dân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Trong đó, lĩnh vực này không thể thiếu là công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngành y tế đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số và chăm sóc sức khỏe để hướng đến môi trường y tế thông minh...
BS Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM trình bày, hiện nay Bộ Y tế đã công bố 82 bệnh viện trên cả nước đủ điều kiện triển khai EMR. Nhu cầu triển khai EMR rất lớn đối với các bệnh viện, cơ sở y tế để tăng cường hiệu quả trong công tác chuyên môn của y bác sĩ, tăng cường công tác quản trị hệ thống dữ liệu (data) để giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo yếu tố bảo mật trong quản lý hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ và tiện ích cho bệnh nhân. “Người bệnh có thể tra cứu thông tin bệnh lý, kết quả chẩn đoán, điều trị một các dễ dàng, nâng cao sự hài lòng”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, để thực hiện được EMR cần phải có một số nguồn lực về công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống này cần được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, tích hợp các hệ thống quản lý y tế như hồ sơ bệnh án, có thể liên thông với bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nguồn nhân sự về công nghệ thông tin tại các bệnh viện còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu về xây dựng và quản trị hệ thống hiện đại EMR.
Ngoài ra, kinh phí để đầu tư bệnh án điện tử cần nguồn lực rất lớn nhưng hiện tại nguồn kinh phí dành cho EMR còn hạn chế là những rào cản đối với việc triển khai EMR tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.
Từ thực tiễn chuyển đổi số tại Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, PGS.TS.BS Trương Quang Định cho biết, mỗi một khoa sẽ có một bệnh án đặc thù riêng, mỗi bệnh viện sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt nên làm ra một hệ thống quản lý chung là rất khó. Trong việc nhận diện danh tính cá nhân, ở bệnh viện gặp khó khăn trong việc định danh bệnh nhân nhi. Do là thiếu nhi nên không thể định danh theo khuôn mặt vì sẽ thay đổi theo thời gian, học tập Singapore thì sử dụng vân tay, tuy nhiên trẻ sơ sinh thì lấy vân tay ra sao đang là bài toán khó. Ngoài ra, nếu định danh theo người đi khám thì cũng khó thực hiện do không chỉ có cha, mẹ, mà còn có cả ông, bà, người giúp việc… đưa đi khám bệnh.
BS. Phan Xuân Trung, công tác tại Trung tâm Y khoa MEDIC (Hòa Hảo) chia sẻ, lấy bệnh nhân là trung tâm vì cho mỗi bệnh nhân 01 số ID sẽ liên kết với mã định danh, khi đó cơ sở bệnh viện đều có thể lấy thông tin lịch sử bệnh án, bác sĩ sẽ xem được lịch sử bệnh án của bệnh nhân từ khi còn nhỏ cho đến hiện tại để có phác đồ điều trị nhanh chóng và không bị sót thông tin. Dữ liệu này tiếp tục được đưa về hồ sơ dùng chung (data) để khi tra cứu sẽ có được lịch sử bệnh án đầy đủ. Sau đó, trong quá trình điều trị tại nhà sẽ luôn được cơ sở y tế địa phương và bệnh viện theo dõi qua hệ thống để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho bệnh nhân.
Dưới góc nhìn của người cung cấp dịch vụ công nghệ, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ MetaLifestyle đồng tình quan điểm lấy bệnh nhân làm trung tâm trong việc thực hiện EMR. Ông Tuấn cho hay, Sở Y tế cần có hệ thống hồ sơ dùng chung, ở bệnh viện nào cũng có khả năng sử dụng được bao gồm những thuộc tính cơ bản của một bệnh nhân mà bệnh viện cần để chẩn đoán và điều trị.
Dịp này, Sở Y tế phát động cuộc thi Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 Saigon govtech challenge 2024 (gov.star 2024).
Mục tiêu là tìm kiếm giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo giúp giải quyết các bài toán trong điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát... của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.