Những năm qua, trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) để xảy ra hàng loạt các vụ cháy lớn, trong đó có những vụ cháy vô cùng thương tâm gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng và tài sản.
Mới nhất là vụ cháy ngày 24/5/2024 tại nhà trọ kết hợp kinh doanh xe điện tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Vụ cháy khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương. Đến nay, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến vụ cháy.
Hơn 2 năm trước, vụ cháy quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy) xảy ra ngày 1/8/2022 đã để lại hậu quả nặng nề, thương tâm. 3 cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ngay sau đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam chủ cơ sở kinh doanh. Đến tháng 8/2023, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt 10 năm tù bị cáo Phạm Duy Hùng (chủ quán karaoke ISIS) về tội vi phạm quy định PCCC, theo điểm a khoản 3 điều 313 bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào năm 2016, vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng để lại hậu quả nặng nề, khiến 13 người tử vong.
Ghi nhận trên địa bàn quận Cầu Giấy cho thấy, xung quanh nhà trọ bị cháy phố Trung Kính, phường Trung Hòa hoặc nhiều phường như Yên Hòa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch... vẫn có nhiều nhà trọ, chung cư mini cho thuê được quây kín bởi lồng sắt, nhà xây san sát nhau, đa phần đều bị kẹp giữa các nhà khác, không có lối thoát hiểm phụ gây nguy hiểm nếu xảy ra cháy.
Trao đổi với PV Dân Việt liên quan đến những vụ cháy gây hậu quả nặng nghiệm trọng xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng và TP.Hà Nội nói chung, một số chuyên gia và các luật sư cho biết, đây là những vụ hỏa hoạn rất đáng tiếc, đau lòng và rất nghiệm trọng. Trách nhiệm ở đây ngoài của các cơ sở kinh doanh còn thuộc về chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục và xử lý.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhấn mạnh, đối với các vụ cháy để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng và TP.Hà Nội nói chung, bên cạnh lỗi chính là chủ cơ sở kinh doanh, còn khá nhiều cán bộ quản lý tại phường, tại quận cũng đã phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của mình trên địa bàn do đã không làm hết trách nhiệm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản và tính mạng của nhân dân.
Theo công văn về việc tăng cường xử lý vi phạm đối với các cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ, đang yêu cầu tạm ngừng, ngừng hoạt động để khắc phục về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn của UBND quận Cầu Giấy mới nhất, hiện quận này đã phát hiện 78 công trình không đảm bảo các điều kiện về PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
"Từ những vụ cháy nhỏ đến các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng thực tế diễn ra, chúng ta phải nhìn nhận rằng trong công tác quản lý PCCC quận Cầu Giấy còn nhiều bất cập; chính quyền địa phương đã chưa xử lý một cách rốt ráo, nghiêm minh đối với những cán bộ thuộc phạm vi quản lý nhà nước trên địa bàn dẫn đến nhiều khi còn buông lỏng quản lý dẫn đến các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận.
Đối với vụ việc khiến 14 người tử vong tại nhà trọ trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa đến nay chúng ta chưa có thông tin về việc xử lý đối với những cán bộ có chức trách cũng như cán bộ phụ trách địa bàn. Đây là những người liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đề nghị áp dụng biện pháp phòng cháy, chữa cháy", luật sư Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Phân tích thêm, Luật sư - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, Cầu Giấy là địa bàn phát triển nhanh, dân cư tập trung đông, tình hình kinh tế phát triển tốt, tuy nhiên hiện nay lực lượng cán bộ phụ trách PCCC tại quận và các phường trên địa bàn còn "mỏng" và phần lớn chưa có chuyên môn nghiệp vụ sâu; cùng đó là ý thức chấp hành PCCC của người dân chưa tốt nên cũng gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó chính quyền địa phương cần phải chú trọng, quan tâm hơn vấn đề này.
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn Anh, cần các chính sách, quy phạm pháp luật để các địa phương thực hiện. Để làm được việc này thì Quốc hội, Chính phủ, UBND TP.Hà Nội phải có những quy định rõ ràng, rành mạch hơn. Ví như hộ dân kinh doanh thì điều kiện đăng ký kinh doanh, quy chuẩn về PCCC phải ra làm sao, người dân phải đảm bảo điều kiện gì mới được kinh doanh, cho thuê... Nếu quy phạm pháp luật chưa có và thống nhất thì địa phương sẽ lúng túng trong việc áp dụng và thanh kiểm tra.
Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII nhận định, vừa rồi trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng và TP.Hà Nội nói chung để xảy ra vụ các vụ cháy, trong đó có vụ cháy khiến 14 người thiệt mạng quả thực là điều rất đau xót, làm cho mọi người rất lo lắng về thực trạng cháy nổ trên địa bàn quận và thành phố.
Theo bà An, khi xảy ra cháy trên địa bàn thì đương nhiên là có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong mỗi vụ việc; với những cơ sở bị cháy nổ thì phải kiểm tra lại hồ sơ để thấy rõ chính quyền sở tại có thường xuyên kiểm tra, giám sát hay không.
"Thành ủy, UBND TP.Hà Nội cũng đã có rất nhiều văn bản yêu cầu kiểm tra PCCC rất gắt gao liên quan đến công tác PCCC. Do đó, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ nguyên nhân rõ vụ cháy vừa rồi là gì. Trong việc này nếu chính quyền địa phương có sơ suất trong việc kiểm tra phòng cháy chữa cháy của chỗ này, hoặc đã kiểm tra nhưng vẫn để xảy ra vụ việc thì cũng nên làm rõ", bà An nói.
"Thành phố đã phân cấp cho cơ sở, thì lãnh đạo cơ sở phải chịu trách nhiệm. Cấp cơ sở này là ai thì phải cơ quan chức năng xác định rõ, nhưng người đứng đầu cũng cần phải có trách nhiệm toàn diện, nhưng cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể", bà An nói thêm và cho rằng việc căn cơ nhất là làm sao chúng ta có nhiều nhà ở hoặc nhà cho thuê đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, giá bình dân cho những người có nhu cầu ở thực sự nhưng không có điều kiện mua để họ thuê.
Tại diễn đàn Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng, những vụ việc cháy nhà trọ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về PCCC và quản lý nhà nước có liên quan. Theo bà Yên, vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa.
Bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy chữa cháy và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ. Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.
Đại biểu Hòa nhấn mạnh, việc quận Cầu Giấy liên tiếp để xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân là một lời cảnh tỉnh không chỉ riêng cho quận Cầu Giấy và các địa phương khác về công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Vụ cháy 14 người tử vong: Chủ tịch quận Cầu Giấy phải chịu trách nhiệm?
Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP, Công an TP.Hà Nội đã có nhiều văn bản liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy đối với người đứng đầu.
Đơn cử như tháng 9/2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại thủ đô trong tình hình mới vừa được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ký.
Trong đó, Chỉ thị trên nêu rõ: Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ phòng cháy". Đồng thời chỉ rõ trách nhiệm: "Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình".
Như vậy, với việc để xảy ra vụ cháy rất nghiêm trọng làm 14 người tử vong trên địa bàn phường Trung Hòa hôm 24/5 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy sẽ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi quản lý, lãnh đạo của mình?
Trong một diễn biến liên quan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến vừa thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành Công văn số 1150-CV/TU về công tác chỉ đạo sau vụ cháy trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cậu Giấy và công tác phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn TP Hà Nội.
Công văn nêu rõ, vừa qua, trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã xảy ra vụ cháy nhà ở gia đình và cho thuê để ở (địa chỉ số 1, ngõ 43/98/31 phố Trung Kính), đây là vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu sớm có kết quả điều tra theo quy định để đưa ra xét xử vụ án vi phạm về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy nhằm giáo dục, răn đe.
Đồng thời Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tham mưu kế hoạch kiểm tra việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy trên địa bàn quận Cầu Giấy và chọn một số đơn vị để kiểm tra, báo cáo kết quả với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 30/6/2024.