Theo điều tra, khoảng 6h20 ngày 29/5, bé G.H (5 tuổi) được cô giáo phụ trách đưa đón dẫn lên xe 29 chỗ đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2, đóng tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình. Trên chiếc xe hợp đồng màu đỏ mang biển tên của trường lúc này có 9 học sinh khác, tài xế là người đàn ông 58 tuổi.
Sau quãng đường 9 km, tới trường, tài xế mở cửa cho giáo viên và học sinh tự đi vào lớp. Lái xe để ôtô ở cổng trường rồi ra về. Sáng hôm đó, giáo viên phụ trách lớp chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường thì phát hiện vắng G.H nhưng không thông báo cho gia đình.
Khoảng 17h cùng ngày, gia đình bé đến đón nhưng không thấy nên báo nhà trường tìm kiếm. Sau đó, bé được phát hiện vẫn ở trên chiếc xe đỗ ở gần cổng trường. Được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu nhưng G.H đã tử vong.
Tối 29/5, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu khẩn trương điều tra vụ việc. Ông chỉ đạo TP Thái Bình phối hợp với lực lượng chức năng làm rõ trách nhiệm của nhà trường, quy chế đưa đón học sinh.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức hay thuê đơn vị dịch vụ và làm rõ quy trình đưa đón học sinh được quy định và tổ chức thực hiện như thế nào, trách nhiệm đón, trả học sinh trong ngày thuộc về những cá nhân nào?
Ngoài ra, làm rõ người lái xe, giáo viên quản lý lớp có trách nhiệm như thế nào đối với việc đưa đón học sinh, thực tế những người này đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào, vì sao lại bỏ quên cháu bé trên xe, khi phát hiện bé không đến lớp, giáo viên có biết hay không, có báo cho nhà trường và phụ huynh hay không?
Đó là những vấn đề quan trọng để xác định nguyên nhân, hậu quả sự việc, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo ông Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong có nguyên nhân từ việc bị bỏ quên trên xe đưa đón, đồng thời xác định được lỗi cụ thể của người phụ trách đưa đón, của lái xe, của giáo viên hoặc của những người có trách nhiệm trong việc đưa đón, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can người vi phạm về tội vô ý làm chết người.
Trường hợp nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong, tất cả những người có lỗi đều có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết.
Công an TP.Thái Bình (Thái Bình) đã ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với cô đưa đón học sinh từ nhà đến trường. Thông tin từ lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thái Bình, các lệnh đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thái Bình phê chuẩn.
Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường thiệt hại về chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần.
Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể đề nghị tòa án giải quyết về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Vị chuyên gia nói thêm, việc đưa đón học sinh mầm non, tiểu học là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón phải là những người có trình độ, kĩ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm.
Chỉ cần thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình tổ chức thực hiện việc đưa đón học sinh hoặc người được giao quản lý việc đưa đón học sinh thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
"Trong vụ việc này, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, đồng thời làm rõ nguyên nhân và tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện ra những lỗi trong quy trình tổ chức đưa đón học sinh" – ông Cường nêu quan điểm.