Chiều 2/6, NSND Hoàng Cúc đã ra mắt tập thơ thể hiện dưới dạng trường ca mang tên "Cúc". Sự kiện có sự hiện diện của đông đảo giới văn nghệ sĩ như: nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà sử học Lê Văn Lan, Nhà văn - Trung tướng Hữu Ước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ Hồng Thanh Quang, NSND Thu Hà, NSƯT Minh Trang, NSƯT Thiện Tùng…
Trường ca "Cúc" dày 177 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm 3 phần "Cánh đồng của mẹ", "Hồn thu xứ mặt trời", "Phục sinh". Trường ca đưa người đọc bước vào chuyến hành trình dài đầy cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời của tác giả, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, những chuyến đi hay những tháng ngày mạnh mẽ chiến đấu với bạo bệnh… Trong tập trường ca, tác giả sử dụng hình thức thơ linh hoạt, theo cảm xúc của bản thân và đối tượng tâm tình, khi là thơ tự do, khi lục bát, lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Hoàng Cúc bày tỏ, bà yêu thơ từ những ngày còn rất bé. Có những thời điểm, thơ như cứu cánh, nâng đỡ bà dậy khi vấp ngã, khi bạo bệnh và đưa bà đi tới những hy vọng. Bà đến với việc sáng tác thơ rất tự nhiên, theo tiếng lòng và muốn mượn câu chữ để giãi bày cảm xúc. Vì thế, thơ bà là những xúc cảm chân thành về cuộc sống đời thường trong đó chất chứa cả ký ức, cả nghĩ suy về cuộc đời, cả những mộng mị được gói ghém. Bà viết thơ từ nhiều năm qua nhưng đến nay mới quyết định ra mắt tác phẩm thơ đầu tiên là trường ca.
"Tôi cũng không biết mình bắt đầu viết lách từ bao giờ nữa. Chỉ nhớ rằng, năm 13 – 14 tuổi, tôi đã tiếp cận với những tác phẩm vĩ đại của văn chương thế giới. Tôi rất thích các tác phẩm của Puskin, L. Tolstoy, Dostoevsky… Những tác phẩm ấy đã định hình và hòa trộn vào tư duy lẫn nghề diễn của mình. Hồi đó, tôi thường viết tản văn về những gì mình bắt gặp trong cuộc sống. Những tản văn đó không đầu không cuối nhưng lại giải tỏa được cảm xúc cuộn trào trong mình. Sau nhiều lần chuyển nhà, những tác phẩm ấy đã thất lạc mà không tìm lại được.
Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của tôi chính là tình yêu với thơ ca. Tôi nhớ, hồi đó, tôi với một người cháu cũng có niềm đam mê thơ ca đã đọc rất nhiều sách. Nhưng vì hồi đó tôi chưa biết thể hiện cảm xúc ra bằng ngôn từ nên bắt đầu bằng việc chép thơ. Tôi đã mài ngòi bút máy và mực tàu để chép lại những bài thơ hay mà mình yêu thích, nhất là các bài thơ tình.
Các tác giả nổi tiếng thế như: Heinrich Heine, Puskin... là những thần tượng lớn mà tôi yêu thích từ bé. Với các tác giả trong nước, tôi yêu thích: Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Khi làm về nhạc kịch, tôi đặc biệt thần tượng tình yêu và tài năng của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Thời còn học ở trường Sân khấu, tôi thường tìm đến thư viện để đọc. NSND Đình Quang – thầy dạy của tôi lúc đó bảo: "Trong trường có một cô gái trẻ và một ngọn đèn dầu ngồi với nhau suốt đêm đã thành hiện tượng của trường". Tôi không hiểu sao thời đó tôi lại say mê đọc đến thế. Tôi có thể ngồi cả ngày lẫn đêm chỉ để đọc cho xong một cuốn tiểu thuyết. Và có thể chìm đắm trong những cảm xúc của nhân vật sau khi đọc cuốn tiểu thuyết ấy cả tháng trời", NSND Hoàng Cúc chia sẻ.
Chia sẻ tại lễ ra mắt trường ca "Cúc", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, trước đây, ông chỉ biết đến NSND Hoàng Cúc thông qua bóng dáng nhân vật bà thể hiện trên sân khấu và điện ảnh. Sau khi đọc trường ca này, ông thêm phần cảm phục và gọi bà là một thi sĩ.
"Trường ca "Cúc" là bản tuyên ngôn, bản hồ sơ trọn vẹn nhất, trung thực nhất về Hoàng Cúc. Tác phẩm làm thơ ca trở nên bí ẩn và đầy quyến rũ. Có quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ được viết trong sự đập cánh lộng lẫy của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên. Trong "Cúc", tôi nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
PGS.TS Phùng Gia Thế - Giảng viên, nhà nghiên cứu và phê bình văn học cũng cho rằng: "Trước hết, “Cúc” mang một nội lực xúc cảm cực kì mạnh mẽ, một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu, đâu đó phảng phất hư vô nhưng trên hết là sự vượt thoát hoàn toàn khỏi những tục lụy xác thân để được “rong chơi giữa cõi vô thường”. “Cúc” là trường ca của cảm xúc. Tính tự sự trong đây dường như chỉ là cái cớ để chủ thể trữ tình cất cánh/xuyên không những xúc cảm của mình.
Thứ hai, có cảm giác trường ca của Hoàng Cúc mang bóng dáng “thiền ca”, bóng dáng thơ của một người tu hay kẻ hành thiền. Trước buồn vui dâu bể của cuộc đời, chủ thể dường như đã tu tập tới hạn để vượt qua, buông bỏ và giải thoát (an tĩnh trước sự chảy trôi của thời gian, của kiếp người, bình thản xem cái chết chỉ như là một cuộc ra đi).
Thứ ba, “Cúc” tuôn chảy nhuần nhị tự nhiên những “cổ mẫu” của văn hóa như: đền đài, hình tượng tôn giáo, huyền thoại (Chử Đồng Tử-Tiên Dung, các biểu tượng Thiên Chúa giáo, đạo Mẫu, đạo Phật…) nhưng không hề nhạt phai những âu lo, muộn sầu đương đại (sự tàn phá thiên nhiên, dịch bệnh, cô đơn...).
Thứ tư là một khả năng ngôn ngữ tuyệt vời. Có cảm giác, Hoàng Cúc viết trong trạng thái vô thức, mơ hồ, câu chữ biến ảo, tuôn chảy tự nhiên, không gượng ép. Chị không làm chữ, không chủ ý thiết tạo hình thức nhưng vẫn có nhiều câu thơ lạ và hay. “Cúc” không kể chuyện mà có chuyện, không phô phang tình cảm mà vẫn ngập tràn xúc cảm. Hình thức thơ “Cúc” linh hoạt chảy trôi theo cảm xúc của chủ thể và đối tượng tâm tình, khi là thơ tự do, khi lục bát, lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ".
Cũng tại lễ ra mắt trường ca, NSND Hoàng Cúc chia sẻ sẽ dành toàn bộ doanh thu từ việc bán sách cho hoạt động từ thiện, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tiếp nối công việc thiện nguyện mà bà đã cống hiến và thực hiện trong nhiều năm qua.
NSND Hoàng Cúc được công chúng biết đến với vai trò là một diễn viên gạo cội trong sân khấu và điện ảnh. Bà từng ghi dấu qua hàng loạt vai diễn trong các tác phẩm sân khấu Hà Nội như "Tôi và chúng ta", "Lũy hoa", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Ăn mày dĩ vãng"… và cũng thành công trong điện ảnh, đặc biệt là vai Tám Bính trong bộ phim "Bỉ vỏ", Thủy trong bộ phim "Tướng về hưu"… Nữ nghệ sĩ từng giữ vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bên cạnh sân khấu và điện ảnh, NSND Hoàng Cúc còn bộc lộ tài năng văn chương. Bà từng đoạt giải với truyện ngắn "Về nhà" trong cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Với trường ca "Cúc", công chúng biết thêm tài năng thi ca của NSND Hoàng Cúc.