Liên quan đến thông tin người dân tại thôn Nội (xã Văn Hoàng) lập trạm thu phí, thu tiền của một vài người đi qua cầu, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng đã có thông tin với PV Dân Việt.
Ông Hiếu khẳng định, UBND huyện Phú Xuyên và xã Văn Hoàng không có chủ trương và không cho phép thu phí qua cầu. Chính quyền xã không can thiệp vào nguồn tiền từ việc thu phí qua cầu của bà con thôn Nội.
"Trước đây cũng có nhiều thông tin không hay, chúng tôi cũng đã kiến nghị không thu phí. Thế nhưng chi phí xây dựng cầu thời điểm đó do người dân thôn Nội đóng góp. Do đó, sau khi công trình hoàn thành, thôn đã tiến hành thu phí qua lại để hoàn vốn.
Chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên hằng năm hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách để duy tu, bảo dưỡng cầu, phục vụ việc đi lại, canh tác của người dân, tránh việc người dân lập trạm thu phí tại cầu như hiện nay", ông Hiếu nói.
Thông tin thêm về sự việc, vị lãnh đạo xã cho biết, năm 1998, bà con thôn Nội quyên góp tiền để xây dựng cầu bêtông để thay thế cầu tre cũ đã xuống cấp. Công trình ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, còn phục vụ canh tác khi ở bên kia bờ sông Nhuệ của bà con.
Chi phí xây dựng cầu thời điểm đó do người dân thôn Nội đóng góp. Do đó, sau khi công trình hoàn thành, thôn đã tiến hành thu phí qua lại để hoàn vốn.
Việc thu phí qua cầu áp dụng với những người ở ngoài địa phận xã Văn Hoàng. Còn tất cả người dân trong thôn Nội, công nhân viên chức ngoài xã Văn Hoàng về đây làm việc và người dân ở trong xã không phải đóng phí khi qua cầu.
Đến năm 2017, sau khi báo chí phản ánh tình trạng thu phí ở cầu Nội Cói, UBND huyện Phú Xuyên đã yêu cầu xã Văn Hoàng dừng ngay việc thu phí cầu tại thôn Nội theo đúng quy định pháp luật.
Sau đó, chính quyền xã đã có báo cáo lên huyện và đề nghị được tiếp tục thu phí để bảo dưỡng cầu phục vụ việc đi lại sản xuất cho nhân dân cho đến khi UBND huyện triển khai xây dựng cầu Nội Cói mới bằng nguồn vốn của cấp trên.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Xuân Hải (Bí thư chi bộ thôn Nội, xã Văn Hoàng), từ những năm xa xưa trước đây đất thôn Nội liền thổ, sau đến năm 1937 thực dân Pháp nắn dòng sông làm cách trở 80 mẫu ruộng và một ngôi chùa Dược Sư của bà con nhân dân thôn Nội sang bên kia sông, nhân dân đi lại sản xuất bằng thuyền thường xuyên xảy ra tai nạn trên sông.
Đến năm 1960, nhân dân thôn Nội đóng góp kinh phí, chặt phi lao, bạch đàn, tre để làm cầu phao. Đến năm 1976, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thời điểm đó, thôn được Tổng cục Đường sắt cấp cho một số thanh tà vẹt để giúp đỡ làm cầu, nhưng đến năm 1998 cầu tiếp tục bị hỏng. Người dân thôn Nội đã quyết định đóng góp kinh phí để làm mới cầu bê tông như hiện nay.
“Việc thu phí qua cầu đã diễn ra từ 1998 - thời điểm cầu đưa vào sử dụng đến nay. Những năm đấy, do kinh phí bỏ ra xây dựng cầu lúc ấy là rất lớn, nên người dân trong thôn Nội dự kiến sau khi hoàn thiện cây cầu sẽ thu phí đi lại để bảo dưỡng và duy tu cầu”, ông Hải lý giải.
Ông Hải cho biết, hàng năm thôn sẽ giao thầu cho một hộ trong thôn. Người trúng thầu sẽ có trách nhiệm trông nom, quản lý.
“Cứ vài năm, thôn lại dùng quỹ để bảo dưỡng, sửa chữa cầu với chi phí hàng chục triêu đồng. Nếu còn dư, số tiền còn lại sẽ sung công quỹ”, vị Bí thư chi bộ cho hay.
Hiện nay bà Hoa, là người được thôn Nội giao thầu trông nom, quản lý cầu.
Theo tìm hiểu, tất cả người dân không phải là dân thuộc xã Văn Hoàng đều phải trả phí. Tại thời điểm này, mức phí qua cầu đối với người đi xe máy là 3.000 đồng/lượt.
Theo tìm hiểu, hơn một năm qua, khi cầu Nội Cói mới cách cầu cũ gần 800m được khánh thành, phần lớn người dân đều đi cầu mới, nên số tiền thu phí qua cầu Nội Cói cũ không còn được bao nhiêu.
"Hiện cầu Nội Cói cũ chủ yếu phục vụ việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong thôn" - ông Hải cho biết thêm.