Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên 5 tuyến số: 05, 39, 47, 43, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (40 chỗ); còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41 - 60 chỗ). Dự kiến đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm nay mạng lưới buýt đã tăng trương trưởng tốt cả về sản lượng lẫn doanh thu.
Cụ thể 5 tháng qua, mạng lưới xe buýt đã vận chuyển ước đạt 169,7 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá ước đạt 165,2 triệu lượt hành khách, tăng 8,6%; tổng doanh thu ước đạt 237 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông 5 tháng đầu năm đã vận chuyển được khoảng 4,6 triệu lượt hành khách, tăng 7,3%; tổng doanh thu ước đạt 30,9 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ, phù hợp tổ chức giao thông đối với 114 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 76 tuyến buýt; dừng hoạt động 5 tuyến từ 1/4/2024. Kết quả cho thấy điều chỉnh toàn mạng lưới đã mang lại hiệu suất cao hơn cho xe buýt Hà Nội.
Bên cạnh đó Sở đang tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt đối với các khu vực có nhu cầu. Đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện có trợ giá E10: Khu đô thị Ocepark - Nội Bài từ ngày 1/1/2024; 2 tuyến buýt kế cận không trợ giá số 215 kết nối TP Hà Nội với tỉnh Nam Định từ 26/1/2024; và số 71 Công viên Nghĩa Đô – Đại học Quốc Gia (Hòa Lạc) từ 1/6/2024.
Tính đến tháng 5/2024, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 153 tuyến, trong đó: 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.