Có thể coi các loài ăn thịt là chúa tể của đất liền, trong khi các loài chim săn mồi như đại bàng, chim ưng và chim cú là những kẻ thống trị bầu trời. Tuy nhiên, lưỡng hình giới tính của chim ăn thịt và thú ăn thịt lại hoàn toàn trái ngược nhau. Hầu hết các loài thú ăn thịt đều có con đực to lớn hơn con cái, trong khi hầu hết chim ăn thịt là con cái lớn hơn. Điều gì đã gây ra hiện tượng này?
Các loài chim ăn thịt và dã thú khác nhau sẽ có sự khác biệt về thể hình khác nhau giữa con đực và con cái, nhưng không phải là không có quy luật. Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn vào những loài chim ăn thịt. Trong một nghiên cứu năm 2005, Kruger đã tóm tắt sự lưỡng hình giới tính của đại bàng, chim ưng và cú. Tóm lại, con mồi của chim ăn thịt càng khó bắt thì kích thước con đực càng nhỏ.
Trong số đó, loài chim săn mồi Accipiter ventralis, phân bố trong các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ , có thể là loài chim săn mồi nổi bật nhất về lưỡng hình giới tính. Sải cánh trung bình của chim trống chỉ bằng 53% so với chim mái.
Các loài chim săn mồi khác ăn những con mồi hoạt bát và nhanh nhẹn như chim, dơi, khỉ và sóc... thì sải cánh của chim trống thường không vượt quá 80% khi so với chim mái.
Tuy nhiên khi độ khó của việc săn mồi giảm xuống thì sự khác biệt về kích thước theo giới tính của chim ăn thịt cũng giảm theo. Lấy hình dạng đại bàng làm ví dụ, nhiều loài chim ăn thịt như đại bàng, chim ó và đại bàng rắn ăn mồi trên mặt đất con mồi của chúng dễ bắt hơn là dơi và các loài chim khác. Sải cánh của con trống thường lớn tới 80% hoặc thậm chí 90% khi so sánh với con mái. Điều tương tự cũng áp dụng cho tất cả các loại chim ưng và cú ăn động vật có vú nhỏ, bò sát và côn trùng lớn.
Tuy nhiên, với những loài chim ăn xác thối, những con trống thường có kích thước gần như tương đương với con mái, thậm chí ở loài kền kền có những con trống còn lớn hơn cả con mái. Sải cánh của những con Vultur gryphus (Thần ưng Andes) trống thường bằng 126% khi so với sải cánh của con mái, điều này cũng khiến cho chúng trở thành loài cá biệt - con trống lớn nhất trong số tất cả các loài chim ăn thịt.
Đối với các loài ăn thịt, sự khác biệt về thể hình giữa hai giới cũng liên quan đến tập quán của loài. Nghiên cứu của Law vào năm 2019 cho thấy mức độ khác biệt về thể hình giữ hai giới của các loài ăn thịt trên cạn có liên quan đến thói quen ăn uống và đặc điểm xã hội.
Theo đó, ở những loài động vật ăn thịt càng có mức độ sống đơn độc cao thì thể hình giữa con đực và con cái càng có nhiều sự khác biệt. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất ở những loài ăn thịt thuộc họ mèo lớn cũng như những loài trong họ chồn.
Những con hổ, báo hoa mai, sư tử núi, chồn vàng, v.v., con đực thường lớn hơn đáng kể so với con cái. Trong số các loài ăn thịt trên cạn, loài có sự khác biệt thể hình giữa con đực và con cái lớn nhất là loài Mustela itatsi, trọng lượng trung bình của con cái chỉ bằng 30% so với con đực.
Các nhóm động vật ăn thịt như chó rừng và chó sói nhìn chung có mức độ lưỡng hình giới tính tương đối thấp. Tất nhiên, quy luật trên chỉ thể hiện một xu hướng chung, và cũng có ngoại lệ.
Các chim săn mồi và thú ăn thịt đều là những động vật ăn thịt, vậy điều gì đã dẫn đến sự đối lập về thể hình giữa 2 giới? Trên thực tế, giống như tất cả các loài động vật, lưỡng hình giới tính của chim săn mồi và dã thú là kết quả của chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính, sự khác biệt giữa chúng phản ánh sự khác biệt trong chiến lược sinh sản.
Trước hết chúng ta hãy xem xét các loài chim săn mồi. Để giải thích về sự khác biệt lưỡng hình giới tính của chim săn mồi, các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết.
Giả thuyết đầu tiên cho rằng những con chim ăn thịt có tính khí khá hung dữ, do đó nếu chim trống có kích thước to lớn hơn chim mái, chúng có thể nhầm tưởng và coi chim mái là con mồi tiềm năng trong quá trình theo đuổi, tán tính và điều này có thể khiến cho bạn tình của chúng bị thương.
Do đó, kích thước của chim mái lớn hơn là để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, khi quan sát quá trình sinh sản của chim săn mồi, các nhà khoa học nhận thấy các cặp chim săn mồi thường rất hòa thuận. Hơn nữa, nếu loài chim ăn thịt thực sự coi bạn tình của chúng như con mồi, thì những con mái lớn hơn rõ ràng cũng sẽ đe dọa sự an toàn của con trống. Vì vậy giả thuyết này rõ ràng là sai.
Giả thuyết thứ hai cho rằng con trống có kích thước nhỏ hơn con mái là để thu hút bạn tình. Quan điểm này cho rằng chim ăn thịt trống dựa vào những màn biểu diễn trên không để thu hút con mái. Bởi vì con mái thích con đực bay nhanh hơn, nên sự chọn lọc giới tính khiến những con trống nhỏ hơn sẽ thành công hơn trong cạnh tranh sinh sản.
Giả thuyết này có vẻ hợp lý, và hơn thế nữa, đối với các loài chim ăn thịt chúng thường nuôi con theo cặp và chim trống có vai trò quan trọng, vì chúng thường phải đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ săn mồi.
Nhiều người có thể cho rằng kích thước càng lớn thì khả năng săn mồi càng mạnh, nhưng điều này không hề đúng với các loài chim ăn thịt. Thông qua nghiên cứu và quan sát có thể thấy rằng chim ưng tuy có thể hình nhỏ bé hơn rất nhiều khi so sánh với đại bàng, tuy nhiên chúng lại là những thợ săn cừ khôi hơn và hiệu quả săn mồi cũng cao hơn đại bàng rất nhiều, lý do là vì chúng nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn.
Hơn nữa, những con trống nhỏ hơn sẽ tiêu thụ thức ăn ít hơn, bởi vậy sau mỗi cuộc săn mồi chúng có thể để lại nhiều thức ăn hơn cho chim mái và chim non. Do đó đối với những loài chim săn mồi thì con trống nhỏ hơn sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Trong khi đó, đối với thú ăn thịt, sự khác biệt của thể hình hai giới chủ yếu đến từ sự cạnh tranh lãnh thổ của con đực. Không giống như chim ăn thịt - thường sống chế độ một vợ một chồng, cơ cấu sinh sản của thú ăn mồi chủ yếu là đa thê. Con đực thường cần bảo vệ một lãnh thổ rộng lớn bao gồm nhiều lãnh thổ của con cái. Áp lực của sự chọn lọc giới tính này buộc chúng phải phát triển thành kích thước lớn hơn để có thể bảo vệ lãnh thổ cũng như có thể giao phối nhiều hơn.
Ở những loài thú săn mồi, con cái thường chịu trách nhiệm nuôi dạy đàn con của chúng, và do đó chúng cần phải thực hiện nhiệm vụ săn mồi để nuôi sống bản thân và đàn con. Giống như chim ăn thịt đực, thú ăn thịt cái có thể thua kém hơn một chút so với con đực trong việc săn bắt con mồi lớn, nhưng sự nhanh nhẹn và tốc độ khiến chúng có thể dễ dàng bắt những con mồi vừa và nhỏ. Kích thước nhỏ hơn của con cái cũng có thể tiết kiệm nhiều thức ăn hơn cho đàn con.
Tóm lại, lý do quan trọng khiến những con mái lớn hơn ở chim ăn thịt và những con đực lớn hơn ở loài thú ăn thịt là do sự phân công lao động và cấu trúc xã hội của chúng khác nhau. Cho dù đó là một con thú đơn độc hay một con chim săn mồi, những con nhỏ hơn thường giỏi hơn trong việc săn bắn và nuôi gia đình của chúng, trong khi những con lớn hơn thì có thể chiến đấu và bảo vệ lãnh thổ tốt hơn.