Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 này của Quốc hội khóa XV tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo chương trình, vào 15h chiều nay (5/6), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng – "tư lệnh" ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ trả lời chất vấn các cư tri.
Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với các nhóm vấn đề sau:
- Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.
- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.
- Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn "trúng" 4 nhóm vấn đề rất nổi cộm, bao quát. Các vấn đề này vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới, đồng thời cũng có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.
Là chuyên gia trong lĩnh vực Văn hoá, ĐBQH Bùi Hoài Sơn dành sự đặc biệt quan tâm đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn "tư lệnh" ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao…
Bên cạnh đó là việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; sự chuẩn bị của ngành trong việc tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025, để những thông điệp của lịch sử được tiếp nối, phát huy trong giai đoạn hiện tại và tương lai; Vai trò làm gương của văn nghệ sĩ; Việc phát triển công nghiệp văn hóa…
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là một trong những trụ cột phát triển đất nước. Thời gian qua, ngành du lịch đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã góp phần hiệu quả vào kinh tế xã hội đất nước, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thời gian qua được triển khai hiệu quả đã góp phần phát huy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Thông qua công tác quảng bá văn hóa đã giới thiệu một hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân văn, ưa chuộng hòa bình đến với bạn bè thế giới.
Cũng theo ĐBQH tỉnh Hậu Giang, để ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển hơn nữa trong thời gian tới cần có những giải pháp phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng phát triển kinh tế. Trong đó, cần quan tâm phát triển du lịch phù hợp từng vùng, miền, có giải pháp hữu hiệu để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đất nước.