Ngày 5/6, bác sĩ nhãn khoa Bùi Tiến Hùng (Hội nhãn khoa Việt Nam) đã có cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, chia sẻ niềm vui về việc đã cán đích ca thứ 5.000 ca phẫu thuật Phakic ICL. Ông sẽ được nhận Award 5.000 tại Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 9 tới.
Đây là giải thưởng do Staar Surgical tổ chức, nhằm tôn vinh những bác sĩ nhãn khoa và các trung tâm phẫu thuật xuất sắc trên toàn thế giới trong việc sử dụng và phát triển công nghệ ICL (Implantable Collamer Lens).
Bác sĩ Hùng tâm sự: "Tôi đã trở thành phẫu thuật viên chữa cận thị, loạn thị viễn thị và sau này cả lão thị (mà thuật ngữ chuyên môn ngành nhãn khoa gọi là phẫu thuật viên khúc xạ) từ năm 2002. Lúc đó chỉ có một kỹ thuật duy nhất để chữa tật khúc xạ là dùng tia Laser tác động trên giác mạc.
Trong 4 năm đầu tiên, tôi luôn gặp những tình huống khó xử trước những trường hợp không có chỉ định làm laser, luôn cảm thấy băn khoăn và nặng lòng trước những bạn trẻ có mong muốn chính đáng cho việc bỏ kính như xin việc, hoạt động thể dục thể thao, thẩm mĩ… mà đành phải bó tay vì rào cản kỹ thuật".
Lòng trắc ẩn đối với những đôi mắt "ốm yếu" khiến bác sĩ Hùng vượt qua mọi rào cản và tách thức để nâng cao tay nghề, tạo dựng lòng tin với người bệnh. Sau 8 năm, ông thực hiện an toàn cho gần 100 ca Phakic.
"Trong các hội thảo quốc tế của các phẫu thuật viên Phakic cao cấp trên toàn thế giới, tôi đã được chứng kiến lễ trao giải thưởng cho các phẫu thuật viên cán đích ca thứ 500, 1.000, 2.000, 3.000, 5.000, 10.000.
Tôi thực sự ngưỡng mộ những vị phẫu thuật viên này và thầm nghĩ bao giờ tôi mới cán mốc 500 ca phẫu thuật. Nhưng chỉ 2 năm sau, tôi đã chính thức cán đích ca thứ 500, được nhận giải thưởng Award 500 tại thành phố biển Malmo (Thuỵ Điển) vào tháng 9/2016.
Chỉ 1 năm sau, tôi đã cán đích ca thứ 1.000 và nhận Award 1.000 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) vào tháng 10/2017. Tiếp theo là Award 2.000 tại Pháp năm 2019, Award 3.000 tại Milan (Italia) năm 2022 và bây giờ là ca thứ 5.000", bác sĩ Hùng chia sẻ về hành trình của mình.
Phẫu thuật Phakic ICL là phương pháp điều trị tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị. Phương pháp này bao gồm việc cấy ghép một loại thấu kính nhân tạo vào bên trong mắt để điều chỉnh độ khúc xạ mà không cần loại bỏ hoặc thay thế thủy tinh thể tự nhiên của mắt.
Với ưu điểm không bào mòn giác mạc, Phakic ICL điều trị được cho mắt có độ cận thị, viễn thị cao, đi kèm loạn thị. Đồng thời phẫu thuật này cũng đặc biệt phù hợp với bệnh nhân có mắt giác mạc mỏng không thể điều trị bằng các phẫu thuật sử dụng tia laser.
Về tật khúc xạ hiện nay trong trẻ em, bác sĩ Hùng chia sẻ: "Mới đây, khi khám mắt từ thiện cho trẻ em miền núi, học sinh 8-15 tuổi, thì cả trường 250 học sinh chỉ có 8 em bị cận thị, tỷ lệ rất thấp. Nhưng ở thành phố, có trường tôi biết, có khi 100 em thì gần 60 em cận thị, cần đeo kính.
Để bảo vệ mắt cho trẻ, tránh bị các tật khúc xa, đặc biệt giảm nguy cơ bị cận thị, ngay từ nhỏ, mắt nên được "hoạt động" tại những nơi có ánh sáng tự nhiên. Trẻ nhỏ nên vận động ngoài trời 2 tiếng/ngày thì tỷ lệ cận thị rất ít. Đó chính là lý do khiến trẻ em nông thôn bị cận thị ít hơn nhiều so với trẻ thành phố".
Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo, các phụ huynh nếu con em bị cận thì cần được chẩn đoán chắc chắn, nên đeo kính đúng độ cận.
Cha mẹ cũng lưu ý không để con nằm đọc sách vì tư thế đọc này rất có hại cho mắt do mắt phải điều tiết nhiều, hoạt động nhiều khi nhìn gần.
Bác sĩ nhãn khoa Bùi Tiến Hùng không chỉ được biết đến với hàng nghìn ca mổ mắt, đem lại ánh sáng và vẻ đẹp đôi mắt cho mọi người mà còn nổi danh với vị trí khiến nhiều người ghen tị: vị hôn phu của DIVA Thanh Lam.
Bác sĩ Bùi Tiến Hùng cũng là nhân vật của Dân Việt trò chuyện "Tôi kéo Thanh Lam về với những ấm áp đời thường" cuối năm 2023 vừa qua.
Tâm sự với Dân Việt về nghề, bác sĩ Hùng đã tâm sự: "Công việc của người bác sĩ khiến tôi dần nhận ra sự khác biệt giữa người tốt và người tử tế. Người tốt có thể cả nể, việc gì cũng nhận. Người tử tế thì khác, họ biết từ chối, không ảo tưởng về cái giỏi của mình.
Làm nghề này, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Nếu anh quyết định sai, kể cả anh và bệnh nhân đều có thể phải chịu hậu quả".