Trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024, một trong những điều kiện bắt buộc khi thí sinh tham gia xét tuyển vào Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, là chiều cao đối với nữ từ 1m58 trở lên và nam là từ 1m65 trở lên. Riêng ngành Quản trị và An ninh mạng còn thêm 2 điều kiện là học lực 3 năm THPT đạt loại khá trở lên và hạnh kiểm cũng từ loại khá trở lên.
Có thể nói đây là trường dân sự duy nhất yêu cầu thí sinh xét tuyển các ngành của trường phải đạt yêu cầu về chiều cao. Yêu cầu này từ trước đến nay chỉ áp dụng ở các trường khối Công an, Quân sự và một số ngành đặc thù như quay phim.
Lý giải việc Trường Quản trị và Kinh doanh đưa ra tiêu chí xét tuyển đối với nữ cao từ 1m58, nam cao từ 1m65, đại diện nhà trường cho biết quy định xét tuyển của trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư.
Trước sự việc này không ít người đã vô cùng bất ngờ. Nhiều người nêu quan điểm việc đặt tiêu chuẩn như trên không phù hợp với ngành nghề quản trị, kinh doanh. Có ý kiến cho rằng: "Tôi không rõ trường đào tạo Quản trị Kinh doanh ở mảng đặc thù nào, hay xuất sắc đặc biệt như thế nào, nhưng không một trường Quản trị Kinh doanh top thế giới có yêu cầu về ngoại hình".
Tiếp đó, có ý kiến cho hay, kinh doanh mà nhìn bề ngoài phân biệt người thấp không cho làm chỉ huy thì không chỉ bỏ sót nhiều nhân tài, mà còn tạo văn hóa kỳ thị trong doanh nghiệp.
"Bất cứ doanh nghiệp nào không đối xử mọi người công bằng như nhau thì sớm muộn sẽ đối diện nguy cơ phá sản. Thật đáng tiếc khi thấy bài học đầu tiên Trường Quản trị và Kinh doanh của Đại học Quốc gia Hà Nội dạy cho sinh viên đã truyền đạt tư duy như vậy", một cư dân mạng bình luận.
Tiếp lời, trên, cộng đồng mạng cho biết: "Ngoại hình không ảnh hưởng gì đến chất lượng lãnh đạo và quản trị. Hãy xem những nhà lãnh đạo của chúng ta và thế giới để thấy, ví dụ như Jack Ma... thì chiều cao có ảnh hưởng gì không? Có thể bạn không cao nhưng người khác phải ngước nhìn. Thiết nghĩ Bộ GDĐT nên có ý kiến để chấm dứt việc phân biệt ngoại hình trong tuyển dụng ở một ngành không đặc thù, ở một trường đại học không đặc thù như thế này".
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, có một số ngành nghề phải theo tiêu chuẩn chiều cao như các trường khối Công an, Quân sự và một số ngành đặc thù như quay phim.
"Ngành không đòi hỏi chiều cao theo tiêu chuẩn theo tôi nghĩ phải được phép chứ không phải trường tự nghĩ ra được. Nếu lấy lý do 'đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư' thì không đúng. Người thấp lùn nhưng trí lớn thì vẫn làm lãnh đạo xuất sắc. Người phương Đông vốn dĩ chiều cao không đồng đều nhau. Tôi cho rằng đây như là rào cản, nếu quá chú trọng hình thức trong kinh doanh là không chuẩn bởi không một trường Quản trị Kinh doanh top thế giới có yêu cầu về ngoại hình", ông Lâm chia sẻ.
Ông Lâm nói thêm: "Nếu ngoại hình tốt thì càng tốt nhưng về mặt xã hội không thể đưa ra điều này để làm rào cản được, bởi xã hội không có chuẩn nhất định, ngành này không phải ngành đặc biệt, đặc thù như khối Công an, quân sự. Có thể như vậy sẽ bỏ lọt tài năng. Quản trị kinh doanh thì tài năng là chính chứ không phải hình thức là chuẩn".
Đồng quan điểm trên, tao đổi thêm với PV Dân Việt, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII nhấn mạnh: "Trường nào cũng có quyền tự chủ về giảng dạy, tự chủ tài chính, tuyển sinh. Tuy nhiên, tiêu chuẩn tuyển sinh như thế này tôi thấy hơi lạ. Vậy lãnh đạo Trường Quản trị và Kinh doanh đã báo cáo lên lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ GDĐT chưa. Quan điểm của trường và Bộ như thế nào?".