Đầu tiên phải kể đến HTX Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ). Đây là HTX nông nghiệp nổi bật tham gia sâu vào chuỗi giá trị, không chỉ sản xuất mà còn sơ chế, chế biến nâng cao giá trị những sản phẩm chủ lực của huyện Cần Giờ, gồm: Tôm, cua, cá dứa…
Mỗi năm, HTX Cần Giờ Tương Lai cung ứng bình quân 350 tấn sản phẩm cho các doanh nghiệp và siêu thị. Hiện nay, 6 sản phẩm của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP và đạt chuẩn 3 sao, như cá đù 1 nắng, khô cá lưỡi trâu, khô cá chim 1 nắng, hàu tươi Cần Giờ, cá dứa tươi, bạch tươi sông.
Tương tự HTX Cần Giờ Tương Lai, HTX rau sạch Nên Ăn (Hóc Môn) cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX này đang nổi bật với mô hình sản xuất cải xanh baby theo quy trình VietGAP với diện tích 6.000m2.
Mỗi ngày HTX cung cấp số lượng rau ổn định ra thị trường với sản lượng 500 - 800kg/ngày. Khi tham gia là thành viện của HTX các hộ thành viên được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất. Mỗi vùng trồng được khoanh vùng đánh số thứ tự chăm sóc và tưới nước theo đúng kỹ thuật, để theo dỗi đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Cùng với đó là HTX Mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) tổ chức sản xuất hoa kiểng theo chuỗi giá trị với mô hình trồng mai vàng. Hiện nay, HTX có 8ha diện tích sản xuất và 3 vườn ươm mai nguyên liệu để cung ứng giống cho dân địa phương và các tỉnh miền Tây.
HTX đang mở rộng quy mô sản xuất, kết nối xây dựng thương hiệu mai vàng Bình Lợi phát triển góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nóng nghiệp chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của những hộ sản xuất nông nghiệp và thành viên của HTX.
Tại TP.Thủ Đức, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc cũng đang ăn nên, làm ra với mô hình trồng rau thủy canh gắn với chuỗi giá trị. Tổng diện tích sản xuất của HTX hiện là 10.500m2 bao gồm diện tích trồng rau thủy canh 7.000m2, trồng xà lách thủy canh 2.500m2, trồng dưa leo thuỷ canh 1.000m2, với các loại rau ăn lá, như rau cải, rau xà lách, cai rổ,... theo mô hình thủy canh góp phần cải tiến, tiết kiệm được chi phí sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng 1 đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho hộ thành viên.
Năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn TP, giai đoạn 2021 – 2025, trong lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ phát triển 150 HTX, 2 Liên hiệp HTX; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP TP là 0,5%; thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể…
Về định hướng, đối với lĩnh vực HTX nông nghiệp, TP sẽ duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động có hiệu quả… Khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 2,0 lần so với phương thức sản xuất thông thường.
Đồng thời, khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của TP, như rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra; tiếp tục xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ…