Sáng nay (7/6), hơn 100.000 học sinh Hà Nội đến các điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi vào lớp 10 công lập năm 2024-2025. Theo Sở GDĐT Hà Nội, trong kỳ thi này, có 10 thí sinh gặp vấn đề sức khoẻ, cần sự hỗ trợ đặc biệt.
Tại điểm thi THCS Yên Nghĩa, Hà Đông, theo ghi nhận của PV Dân Việt có 1 thí sinh bị gãy tay phải cần đến sự hỗ trợ từ điểm thi là em Nguyễn Khánh Duy (học sinh trường THCS Phú La).
Ngoài em Duy, kỳ thi còn có 7 thí sinh bị gãy tay cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ các điểm thi. Các thí sinh được hướng dẫn dự thi ở phòng thi riêng và có người chép bài hộ. Theo quy định, người hỗ trợ thí sinh dự thi, chép bài hộ là học sinh học lớp dưới do trường THCS đề xuất và được học sinh đó đồng ý.
Con rơi vào hoàn cảnh éo le đúng đợt thi vào lớp 10 khiến anh Nguyễn Trung Trực (bố của Duy) không khỏi lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của con trong hai ngày thi tới.
Anh Trực chia sẻ, ngày 22/5, khi Duy đi học về không may gặp tai nạn dẫn đến gãy tay phải. Khi xảy ra sự việc, gia đình anh rất lo lắng khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Duy bước vào kỳ thi rất quan trọng trong cuộc đời của con. Bản thân Duy cũng rất buồn và lo sợ việc gãy tay sẽ khiến việc thi cử phải "lỡ dở".
"Tuy nhiên, sau khi nắm được thông tin sẽ có em học sinh hỗ trợ Duy chép bài cùng sự động viên của gia đình, con đã phấn chấn, tự tin hơn rất nhiều. Dù rất thương con, lo lắng cho con nhưng tôi vẫn luôn cười vui vẻ để truyền cảm hứng tích cực đến cho con", anh Trực cho hay.
Không thể viết bài do bị gãy tay phải, Duy cho biết, bản thân khá lo lắng vì việc này có thể làm đến tốc độ làm bài thi, đặc biệt là 2 môn Toán và Văn.
"Việc phải đọc bài cho người khác chép không thể nhanh bằng tự tay mình viết ra giấy thi. Em tự tin hơn với môn Toán, do vẫn có thể dùng tay trái để bấm máy tính, tuy nhiên với môn Văn thì em lo lắng hơn, bởi em chưa ôn luyện được nhiều. Thêm nữa làm Văn thì đọc cho bạn chép hộ khác với việc mình suy ngẫm rồi viết ra bài thi", Duy bộc bạch.
Chia sẻ về người bạn "đặc biệt" đồng hành cùng mình trong 2 ngày thi tới, Duy chia sẻ, người giúp cậu chép bài 1 người em cùng trường ở lớp dưới. Hai anh em đã có 1 thời gian làm quen và trao đổi để quá trình phối hợp cùng làm bài thi được suôn sẻ.
"Việc bị tai nạn phải nằm viện nhiều ngày khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong việc ôn thi và làm bài thi trong 2 ngày 8,9/6 sắp tới nhưng em vẫn quyết tâm để hoàn thành tốt nhất các bài thi. Em mong sẽ đạt được kết quả như mong đợi", em Duy nhấn mạnh.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay có hơn 106.000 thí sinh đăng ký dự thi. Hà Nội đã chuẩn bị 201 điểm thi, trong đó mỗi điểm thi yêu cầu phải chuẩn bị 2 phòng thi dự phòng để các trường hợp thí sinh gặp vấn đề sức khoẻ có thể dự thi. Các điểm thi cũng đã chuẩn bị đủ thuốc men, bố trí lực lượng y tế hỗ trợ sức khoẻ thí sinh.
Kỳ thi lớp 10 công lập có 10 thí sinh cần hỗ trợ đặc biệt do gặp vấn đề về sức khỏe. Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em, đồng thời đảm bảo an toàn thi.
2 trong số 10 em nói trên cần cung cấp insulin (một loại hormone thường dùng trong điều trị đái tháo đường) 24/24. Để việc truyền insulin không bị gián đoạn, thí sinh cần thiết bị kết nối chuyên dụng. Thiết bị này có màn hình và có kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông minh để kiểm soát quá trình bơm tiêm insulin.
Thiết bị kết nối sẽ được gia đình mang đến phòng thi để lực lượng an ninh kiểm tra, niêm phong và cất giữ tại điểm thi. Trước mỗi buổi thi, giám thị sẽ lấy máy cho thí sinh sử dụng. Sau khi hết thời gian làm bài, giám thị niêm phong lại máy, đảm bảo thiết bị không phục vụ cho mục đích nào khác.
Toàn bộ quá trình thi của thí sinh có sự giám sát của giám thị, lực lượng an ninh và y tế. Đồng thời, gia đình thí sinh phải túc trực ở ngoài cổng điểm thi. Cả hai thí sinh đặc biệt này đều ở huyện Đan Phượng.
8/10 học sinh còn lại bị gãy tay, cần bố trí người viết bài hộ. Các em này thi tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Chương Mỹ.