Dân Việt

Tháo chạy mặt bằng giá cao, TP.HCM rộ lên đầu tư xe điện bán cà phê, trà sữa lưu động

Hồng Phúc 08/06/2024 15:51 GMT+7
Chủ nhiều cửa hàng F&B tại TP.HCM thời gian qua phải tháo chạy trả mặt bằng. Trong khi đó, một loại hình mới đang nở rộ là đầu tư xe điện để bán cà phê, trà sữa lưu động.

Rộ lên mô hình sử dụng xe điện bán cà phê, trà sữa, nước ép lưu động 

Dọc nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP.HCM và đi qua khu vực đông dân cư, như Hùng Vương, Trần Phú, Lý Thái Tổ, Võ Văn Kiệt, khu Sala Thủ Thiêm, dọc đường ven sông Sài Gòn… mô hình xe điện kinh doanh này khá phổ biến.

Anh Trương Trần Bảo - chủ chuỗi cà phê lưu động Lupis, với nhiều xe điện kinh doanh cà phê, trà sữa tại quận 5 cho biết, song song với mặt bằng tại chỗ, anh đầu tư thêm đội xe điện lắp thùng hàng để tăng doanh thu.

Với cách thức này, đội ngũ nhân viên của quán có thể đi vào từng con hẻm nhỏ để bán cà phê. Xe điện không tiếng ồn, không khói bụi, thùng hàng kín, đặc biệt tính linh động cao với giá cả phù hợp nên đắt khách.

Tháo chạy mặt bằng giá cao, TP.HCM rộ lên đầu tư xe điện bán cà phê, trà sữa lưu động - Ảnh 1.

Xe điện bán cà phê, trà sữa tại TP.HCM. Ảnh: H.P.


Theo chia sẻ của một số chủ quầy sử dụng xe điện, phương tiện này cơ động hơn nhiều so với xe đẩy hoặc xe xăng thông thường. Khi sử dụng xe điện, chủ quầy không phải phụ thuộc vào nguồn điện cố định.

Không chỉ bán cà phê, trà sữa, một số sàn thương mại điện tử thời gian qua cũng đã đưa mô hình xe điện vào phục vụ giao hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM. 

Ra mắt những mẫu xe điện bán cà phê đa năng

Nhiều hãng xe điện đã nắm bắt xu thế, cho ra mắt những mẫu xe đa năng, có thể vừa di chuyển thông thường vừa kinh doanh lưu động.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng giám đốc Selex Motors cho biết, thời gian qua công ty cho ra mắt dòng xe máy điện bán tải. Từ đầu đến nay, Selex Motors đã nhận nhiều đơn đặt hàng từ các công ty, doanh nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt các doanh nghiệp liên quan đến F&B.

“Tôi nghĩ đây là điều tất yếu của thị trường. Pin trên xe là nguồn điện di động giúp người dùng vừa vận hành máy móc, vừa để di chuyển, đi lại. Điều đó mang lại hình thức kinh doanh mới cơ động hơn, người dùng có thể thay đổi điểm bán linh hoạt trong ngày”, ông Nguyên nói.

Để chủ động tiếp cận nhiều khách hàng, không phụ thuộc vào các nền tảng ứng dụng, nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp F&B, đã chuyển đổi hoặc đầu tư sang mô hình kinh doanh lưu động bằng xe máy điện hoặc xe tải điện. Phương tiện này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn và khói bụi.

Tháo chạy mặt bằng giá cao, TP.HCM rộ lên đầu tư xe điện bán cà phê, trà sữa lưu động - Ảnh 3.

Xe điện giao hàng của các sàn thương mại điện tử khá quen thuộc tại TP.HCM. Ảnh: Selex Motors

Mô hình kinh doanh lưu động bằng xe điện tuy mới nở rộ nhưng theo đánh giá của những người tham gia, nó rất tiềm năng bởi tiết giảm chi phí cho người bán, bởi việc mở cửa hàng giai đoạn này không mấy dễ dàng. Bằng chứng là đã 3 năm sau Covid-19, hàng loạt mặt bằng tại TP.HCM vẫn chưa có người thuê. Nhiều người khởi nghiệp hàng quán cũng phải nhanh chóng tháo chạy vì khách hàng thắt chặt chi tiêu.

Trong ngành dịch vụ, ăn uống, cuộc chạy đua về quy mô mặt bằng dường như chỉ dành cho các “ông lớn”, như Phúc Long, Highlands, Katinat.

Ngược lại, với những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ lại lựa chọn bán mang đi, bán qua các ứng dụng trung gian, không phục vụ khách tại chỗ. Quan sát thị trường, với chiến lược tiết kiệm tối đa chi phí mặt bằng này, những thương hiệu trà sữa, cà phê mới gia nhập thị trường, như Maycha, Baley, Cà phê muối Chú Long… đã nhanh chóng phủ gần như toàn bộ các quận huyện tại TP.HCM với những quầy hàng nhỏ hoặc bán xe đẩy lưu động.

Giám đốc một chuỗi cũng đánh giá rất cao tiềm năng của mô hình kinh doanh lưu động với quan điểm khách không đến được với mình thì phải làm sao để mình tiếp cận khách một cách nhanh nhất. Mô hình cho nhân viên ra ngoài chào hỏi ngay lề đường khá hiệu quả. Hầu như doanh thu những ngày như vậy tăng 30 - 40%.