Video người dân làng Phú Thượng chuẩn bị cơm rượu nếp phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ. Thực hiện: Song Phúc.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, làng Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại đượm nồng trong mùi men thơm của gạo. Hương thơm này đến từ những thúng cơm rượu nếp mới, được bày bán khắp các ngõ đường làng.
Từ 4 giờ sáng, bếp của gia đình bà Công Thị Hoa, làng nghề xôi Phú Thượng, Hà Nội đã đỏ lửa. Dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình bà nhận làm hơn 1 tạ rượu nếp cái hoa vàng và nếp cẩm phục vụ nhu cầu của người dân, thực khách.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, bà Hoa cho biết, để rượu nếp thơm ngon, một trong những công đoạn quan trọng là quá trình vào men.
"Gạo nếp dùng làm rượu là nếp cái hoa vàng, loại gạo có độ dẻo, quánh, hạt mẩy, tròn, để khi lên xôi đảm bảo căng, bóng, đạt chuẩn cả về hình thức lẫn mùi, vị. Dù là nếp cẩm, nếp cái hoa vàng vẫn nguyên vỏ lụa và lớp cám", bà Hoa chia sẻ.
Quá trình làm rượu nếp (hay còn gọi là cơm rượu) bắt đầu bằng việc nấu gạo nếp chín thành xôi, để nguội và ủ với men. Với những người con làng nghề xôi Phú Thượng, mỗi công đoạn làm rượu nếp đều quan trọng, và người làm nghề phải đặt trọn vẹn tâm huyết vào đó.
Vừa chuẩn bị ngâm gạo nếp vừa bật mí với phóng viên cách chọn gạo chuẩn cho nấu cơm rượu, chị Nguyễn Thị Ngần (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) nói: "Công đoạn nào cũng quan trọng, kể cả lúc chọn gạo. Gạo dùng phải là gạo ngon, hạt to, mẩy, đến lúc ngâm gạo phải kỹ càng, sạch sẽ và nước dùng lúc nào cũng phải trong, không được chua".
Mỗi ngày có hàng tấn xôi Phú Thượng được chuyển đi, rao bán đến từng ngõ ngách trong thành phố Hà Nội. Công việc dù bận rộn là vậy, nhưng vào dịp Tết đoan ngọ, hơn 400 hộ thuộc làng nghề truyền thống Phú Thượng đều tập trung làm rượu nếp để phục vụ nhu cầu thực khách gần xa.
Là người con của làng nghề truyền thông xôi Phú Thượng, chị Phan Thị Thu Huyền chia sẻ: "Chúng tôi ngóng chờ từ nhiều ngày nay để chuẩn bị đồ cho ngày Tết Đoan Ngọ. Năm nay nhà tôi làm 80kg gạo vừa là nếp cái hoa vàng vừa là nếp cẩm".
Để hoàn thành sản phẩm, chị Huyền cho hay, công đoạn ủ kéo dài từ 36 đế 48 giờ tùy vào điều kiện thời tiết. Khi trộn men phải đảm bảo cơm đã để nguội và được đảo đều tay bởi nếu không cơm dễ bị chua hoặc đắng. Cơm ủ thường được để trong lớp lá sen và lá chuối và đảm bảo độ kín gió.
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội thông tin thêm, để chuẩn bị cho tết Đoan Ngọ người dân trong làng đã chuẩn bị gạo từ hôm mùng 1 đến mùng 3 Âm lịch. Đến ngày 5/5, các loại nếp cẩm nếp cái hoa vàng đều đã xong.
Gạo ngon, men được rắc đều tay, ủ đủ ngày nên rượu nếp làng nghề xôi Phú Thượng được nhiều người lựa chọn làm món quà biếu, dâng cúng tổ tiên và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ. Với nhiều người, việc ăn rượu nếp ngày Tết Đoan ngọ được xem là một cách để "tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể".