Dân Việt

"Ông lớn" phân bón báo tin vui, mới mua lại một công ty đã lãi ngay sau khi tiếp quản

Hồng Phúc 12/06/2024 11:52 GMT+7
Dù ngành phân bón gặp nhiều khó khăn năm 2024, Đạm Cà Mau vẫn báo tin vui về lợi nhuận. Theo đó, Công ty Phân bón Việt - Hàn tại TP.HCM vừa được "ông lớn" này mua lại đã chuyển từ lỗ triền miên sang có lãi.

Nhiều tin vui đã được ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra tại TP.HCM.

Phân bón Cà Mau báo tin vui: Lợi nhuận tăng trưởng giữa khó khăn

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT Phân bón Cà Mau cho biết, đầu năm 2024, công ty tăng cường hoạt động xuất khẩu. Mảng xuất khẩu cũng là điểm sáng của hai năm qua. Năm 2022, 2023, sản lượng xuất khẩu đạt gần 50% sản lượng sản xuất của nhà máy. Doanh thu riêng cho phần xuất khẩu mang lại từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Hiện, Phân bón Cà Mau đang xuất khẩu sang gần 20 quốc gia trên thế giới.

"Các tháng đầu năm 2024, công ty tăng cường sản lượng xuất khẩu sang Australia. Các tháng đầu năm, giá phân bón liên tục đi xuống nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận, bình quân tăng trưởng 30 - 50% so với cùng kỳ", ông Nguyên nói.

"Ông lớn" phân bón báo tin vui, mới mua lại một công ty đã lãi ngay sau khi tiếp quản- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Phân bón Cà Mau Trần Ngọc Nguyên (thứ hai từ phải sang) trao đổi với cổ đông tại đại hội ngày 11/6 tại TP.HCM. Ảnh: DCM

Chỉ tính riêng quý I/2024, Phân bón Cà Mau đạt doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, lãi ròng 346 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái về lợi nhuận.

Theo ông Nguyên, năm 2022 là năm Phân bón Cà Mau có doanh thu cao kỷ lục 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất cao đến 46%. Đây là mức cao nhất trong các năm.

Năm 2023, Phân bón Cà Mau đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn sau 11 năm nhà máy đi vào sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, đóng góp lớn cho địa phương và nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, giá phân bón giảm mạnh so với năm 2022 đến 35% làm các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu dù cao so với mặt bằng chung nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với năm 2022.

Theo ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau, tình hình kinh doanh năm 2024 đối mặt nhiều thách thức, như bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu, giá phân bón vẫn đang trong vùng trũng và dự báo đi ngang, nhu cầu phân bón trong nước tiếp tục giảm.

"Chúng tôi xây dựng đề án phát triển lên tổng công ty, các đơn vị thành viên thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng tập trung lĩnh vực cốt lõi phân bón và nông nghiệp. Cơ hội rất nhiều, thách thức cũng không ít trong năm nay", Chủ tịch Phân bón Cà Mau Trần Ngọc Nguyên chia sẻ.

Công ty Phân bón Việt - Hàn vừa mua lại đã có lãi

Một điểm nhấn lạc quan khác được ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau nhắc đến chính là thương vụ mua lại Nhà máy phân bón Hàn - Việt tại TP.HCM.

Phân bón Cà Mau đã tiếp quản 100% vốn tại Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt, công ty này sở hữu nhà máy phân bón có tổng mức đầu tư 60 triệu USD đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, gần cảng Hiệp Phước.

"Ông lớn" phân bón báo tin vui, mới mua lại một công ty đã lãi ngay sau khi tiếp quản- Ảnh 3.

Nhà máy Phân bón Hàn - Việt đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, gần cảng Hiệp Phước. Ảnh: KVF

Ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Phân bón Cà Mau cho biết, việc mua lại Nhà máy phân bón Hàn - Việt giúp gia tăng sản lượng phân bón, khẳng định thương hiệu Việt. Đặc biệt hơn nữa, với vị trí chiến lược của nhà máy này, Phân bón Cà Mau sẽ có nhiều cơ hội trong việc phát triển tại thị trường Đông Nam Bộ. Công suất thiết kế nhà máy Hàn Việt là 180.000 tấn/dây chuyền, hai dây chuyền là 360.00 tấn.

Nhà máy này được vận hành từ 2018 nhưng lỗ liên tục. Trong tháng 5 vừa qua sau khi tái cấu trúc nhà máy và đưa vào hệ sinh thái của Phân bón Cà Mau thì đã có lãi.

Việc chạy hết công suất phụ thuộc vào năng lực bán ra thị trường, năng lực tiêu thụ. Trong kế hoạch nhà máy Hàn Việt dự kiến sản xuất 100.000 tấn NPK một năm. Dự kiến, năm nay nhà máy Hàn - Việt sẽ sản xuất 70.000 tấn NPK.

Việc M&A nhà máy sản xuất NPK, mục tiêu được chia 2 giai đoạn, đầu tiên làm kho chứa hàng hóa để phân phối ở miền Trung nhập từ cảng Quy Nhơn. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu đầu tư liên quan sản xuất. Dự kiến, khoảng tháng 8 đưa kho ở Quy Nhơn vào vận hành khai thác. Kho đó chứa 30.000 - 40.000 tấn phân bón các loại.

Năm 2024, các mục tiêu kinh doanh của Phân bón Cà Mau khá thận trọng. Chỉ tiêu tiêu thụ ure 749.000 tấn, đạm chức năng 110.000 tấn, NPK 180.000 tấn, tự doanh 248.000 tấn, doanh thu hợp nhất 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 794,8 tỷ đồng.

Ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Phân bón Cà Mau cho rằng, kế hoạch này có phần thận trọng nhưng thực tế các năm cho thấy, công ty thường đạt kết quả kinh doanh vượt xa mục tiêu ban đầu.