Hành trình chính thức đến với World Cup 2026 đã khép lại với ĐT Việt Nam từ trước khi trận đấu với ĐT Iraq diễn ra, khi ĐT Indonesia đã giành chiến thắng trước ĐT Philippines, chốt lại trật tự bảng đấu. Ngoài ý nghĩa danh dự của cả ĐT Việt Nam và ĐT Iraq, trận đấu này vẫn có khá nhiều ý nghĩa với ĐT Việt Nam. Giới chuyên môn muốn qua trận đấu này, để xem ĐT Việt Nam trong tay HLV Kim Sang-sik đá thế nào trước 1 đội bóng mạnh hơn, sau khi đã xem ông giải quyết đối thủ yếu hơn trong trận gặp Philippines trước đó. Hay nói cách khác, là xem lựa chọn của VFF cho vị trí HLV trưởng ĐTQG Việt Nam có chính xác hay không?
Có thể nói, mặc dù để thua với tỷ số 1 – 3, nhưng đây là trận đấu hay của ĐT Việt Nam, hay hơn cả trận họ thắng Philippines 3 – 2 nếu không tính đến yếu tố cảm xúc. Ở bài viết này, như đã nói về sự chính xác trong lựa chọn của VFF, chúng ta sẽ đề cập đến vai trò của HLV nhiều hơn nói về vai trò các cầu thủ trong trận đấu.
Giống như phỏng đoán của nhiều người, trên sân khách, trước đối thủ mạnh hơn, HLV Kim Sang-sik tổ chức cho các học trò đá phòng ngự phản công. Mà sơ đồ ưa thích của các đội bóng muốn đá thế trận này đó là 5 – 4 – 1. ĐT Việt Nam cũng vậy, với 3 trung vệ là Bùi Hoàng Việt Anh, Đỗ Duy Mạnh và Nguyễn Thanh Bình. Bộ 3 trung vệ này rất dễ đoán vì họ có chiều cao tốt, phù hợp để đối phó với các đối thủ Tấy Á, lại từng đá với nhau nhiều rồi.
Cánh phải là Văn Thanh, 1 cầu thủ "cơ bắp", va chạm, tranh chấp tốt và bên kia là Phan Tuấn Tài, dày dạn, nhanh nhẹn, khéo léo. Ngay phía trên là tiền vệ phòng ngự Nguyễn Đức Chiến, cao tới 1m84. Nếu các cầu thủ có tên nêu trên đang ở phong độ ổn định, sẽ thật khó có thể tìm ra được phương án khác hợp lý hơn cho hàng phòng thủ của đội bóng trong thế trận phòng ngự phản công này.
Chúng ta thấy ĐT của HLV Kim Sang-sik lúc này gần giống với ĐT của HLV Park Hang-seo, cả về sơ đồ thi đấu lẫn con người trên sân. Nhưng có 1 điểm khác biệt mang tính sáng tạo của HLV Kim Sang-sik, đó là tiền đạo cắm Tiến Linh lúc này dường như chủ yếu thực hiện vai trò làm tường và hút ngưởi. Các miếng tấn công thực sự gây nguy hiểm lại được triển khai ở 1 cánh. Điều này đã gây bất ngờ cho hàng thủ Iraq. Chúng ta thấy Khuất Văn Khang và đặc biệt là Văn Thanh vài lần xộc vào vạch 16m50 nhận bóng. Trong đó có cơ hội rất ngon bị bỏ lỡ khi đối mặt thủ môn đối phương của Văn Thanh.
Sang hiệp 2, trong thế trận bị dẫn trước, không thể đá phòng ngự phản công, HLV Kim Sang-sik bắt đầu điều chỉnh. Đầu tiên là ông thay 3 cầu thủ, trong đó có Phạm Tuấn Hải vào sân cùng với Tiến Linh thành cặp tiền đạo. Sơ đồ thi đấu chuyển về 5 – 3 – 2. Từ lúc này, 2 cánh của ĐT Việt Nam đá giống hệt trong trận gặp ĐT Philippines. Họ không chen vào chỗ của 2 tiền đạo ở vòng 16m50 nữa, mà nhận bóng rồi xuống biên ngang lật vào. Giữa hiệp 2, tiền đạo Đinh Thanh Bình vào sân, sơ đồ chuyển sang 3 – 4 – 3 khi tấn công và 5 – 4 – 1 khi phòng thủ. Điểm đáng nói của giai đoạn này trong trận đấu đó là các cầu thủ Việt Nam cầm bóng phối hợp rất hay. Từ thoát pressing đến tổ chức tấn công gây sức ép lên sân đối phương. Lúc này, chúng ta thấy bóng dáng lối đá của HLV Troussier trong cách chơi của ĐT Việt Nam.
Đã có nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng, lối chơi tối ưu của ĐT Việt Nam phải là 1 lối đá đa dạng, có thể phòng ngự phản công chặt chẽ khi cần giữ tỷ số, trước đối thủ mạnh hơn và có thể đá kiểm soát, áp đặt, gây sức ép tốt khi cần ghi bàn thắng hoặc đá với đối thủ yếu hơn. Trong trận này, chúng ta thấy HLV Kim Sang-sik đã làm được điều đó. Dường như VFF đã tìm được người phù hợp cho chiếc ghế nóng HLV trưởng ĐTQG. Dù thua nhưng NHM và giới chuyên môn đã nhìn thấy những dấu hiệu lạc quan và cảm thấy tin tưởng hơn vào người được giao trọng trách dẫn dắt ĐTQG.