Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được xây dựng ngay trong khuôn viên ngôi nhà - nơi ông sinh ra và lớn lên ở quê hương Diễn Hoa. Công trình do chính con trai ông là Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Trọng Thi thiết kế. Công trình được khởi công từ tháng 7/2022, mang đậm văn hóa 3 vùng đất mà ông từng sống: Huế, Nghệ An và Hà Nội. Ngoài ra, trong dáng dấp của công trình cũng có bóng dáng các tác phẩm thơ, nhạc, họa của ông.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Nguyễn Thu Hương – con gái cả của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho biết: "Lúc sinh thời, cha tôi không nói với các con về tâm nguyện của mình sau khi qua đời. Tuy nhiên, trong những lần trò chuyện với bạn bè, ông thường chỉ vào khu vườn của mình ở quê rồi bảo sau khi qua đời ông sẽ ở đây. Thời điểm ông bị bệnh nặng, nằm điều trị ở Hà Nội, tôi có hỏi cha tôi về những điều mà bạn bè ông đã nói lại với tôi và ông xác nhận đúng là ông muốn được đưa về quê sau khi mất.
Biết được tâm nguyện của ông nên sau khi ông mất, chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất đưa ông về an táng tại quê nhà Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Chúng tôi cũng bắt tay vào xây dựng một Khu tưởng niệm cho ông tại chính mảnh vườn và ngôi nhà mà ông gắn bó từ lúc sinh ra và lớn lên. Công trình này mang nét đặc sắc đó là do chính tay em trai tôi - Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Trọng Thi thiết kế lấy ý tưởng từ cuộc đời, con người và sự nghiệp thơ nhạc của ông. Ngoài ra, bức tượng chân dung của cha tôi cũng được nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn tâm huyết tạo tác. Trong khuôn viên của Khu tưởng niệm, ngoài tượng đài của ông đặt ở vị trí trung tâm, còn có hồ sen, có các tiểu cảnh, cây xanh và một ngôi nhà nhỏ xinh để tiếp khách mỗi khi đến chơi".
Theo con gái lớn của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, vì diện tích khu đất bé nên gia đình chưa thể làm được một phòng lưu niệm trưng bày các kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ, nhạc, họa của ông. Tuy nhiên, về tương lai, các con của ông cũng sẽ cố gắng để thực hiện điều đó.
"Kỷ vật sâu sắc và ý nghĩa nhất đó mái nhà nơi ông sinh ra và lớn lên ở quê hương. Trong ngôi nhà này hiện vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những đồ vật mà lúc sinh thời ông vẫn dùng, những bức tranh do ông họa hoặc do bạn bè biếu tặng, những bức ảnh chụp ông với người thân và bạn bè… Ngôi nhà này được chú thím tôi trông nom, chăm sóc rất cẩn thận từ lúc cha tôi qua đời đến nay.
Còn những kỷ vật gắn với cuộc đời sáng tác thơ ca và âm nhạc thì chúng tôi vẫn lưu trữ trong ngôi nhà ở Hà Nội – nơi ông đã sống những ngày tháng cuối đời. 5 năm kể từ ngày cha tôi mất, nhiều thứ cũng thay đổi, chúng tôi cũng bận bịu với công việc và gia đình nên chưa có thời gian để sắp xếp lại căn phòng này. Chắc là sắp tới, chị em chúng tôi sẽ cùng nhau sắp xếp lại, biến căn phòng thành một nơi lưu giữ các kỷ vật của cha tôi để đón bạn bè và người thân đến thăm", chị Nguyễn Thu Hương tâm sự thêm.
Clip giới thiệu về khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo do Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Trọng Thi thực hiện. Nguồn clip: WU.Studio
Tại lễ khánh thành khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có sự hiện diện của đông đảo văn nghệ sĩ - những người gắn bó với ông như: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhạc sĩ Giáng Son, nhà thơ Lê Thống Nhất... Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi gặp lại bóng dáng của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua bức tượng chân dung, qua những tấm ảnh đen trắng, những kỷ vật đã gắn liền với ông.
Những khúc hát ân tình!
Tối qua, trong không khí xúc động tưởng nhớ nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo… người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến ông đã được lắng nghe những câu chuyện, những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong chương trình giao lưu thơ – nhạc "Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ". Trong chương trình, nhiều tác phẩm như: Chèo thuyền trên sông Bùng, Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang… đã được các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Hà Quỳnh Như thể hiện hết sức ngọt ngào, xúc cảm.
Cũng trong chương trình, nhiều bạn hữu đã chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về Nguyễn Trọng Tạo - người đa tài, có tình yêu sâu nặng với quê hương và trọn đời sống vì nghệ thuật.
Trước khi thể hiện ca khúc Chèo thuyền trên sông Bùng, ca sĩ Trọng Tấn kể rằng: "Trọng Tấn may mắn có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Có lần giữa đêm khuya, ông gọi điện trao đổi với Trọng Tấn về nhạc phẩm mà ông vừa sáng tác xong. Ông bảo: "Tấn ơi, chú vừa viết xong ca khúc Chèo thuyền trên sông Bùng. Ca khúc này được viết trong vòng 1 tiếng đồng hồ, khi chú nhớ mẹ, gọi điện về quê nghe được tiếng mẹ và chú đã dâng trào cảm xúc nên viết rất nhanh". Trọng Tấn đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo gửi gắm ca khúc này. Hôm nay, chúng ta về đây với tình cảm và sự tưởng nhớ dành cho vị nhạc sĩ tài ba của xứ Nghệ. Cuộc đời ông đã sống cũng như những điều ông gửi gắm trong thơ ca và âm nhạc đã để lại cho chúng ta những điều trân trọng".
Ca sĩ Anh Thơ biểu diễn "Khúc hát sông quê" với niềm cảm xúc mãnh liệt. Clip: NTK
Ca sĩ Anh Thơ cũng đầy xúc động khi bước lên sân khấu thể hiện ca khúc Khúc hát sông quê – một trong những ca khúc đã làm nên tên tuổi Anh Thơ. Nữ ca sĩ chia sẻ: "21 năm nay, Anh Thơ vẫn mang theo kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Đó là, khi Anh Thơ đang mang bầu bé đầu tiên thì chú đến thăm. Anh Thơ được chú tin tưởng gửi gắm ca khúc Khúc hát sông quê cho hát. 21 năm qua, Anh Thơ luôn biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Lê Huy Mậu vì đã cho Anh Thơ thật nhiều hạnh phúc với ca khúc này".
Nhạc sĩ Giáng Son cũng mang đến chương trình ca khúc Cỏ và mưa do chị phổ nhạc dựa trên thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Trước khi bắt đầu phần biểu diễn, nhạc sĩ Giáng Son có tâm sự: "Năm 1999, Giáng Son được anh Nguyễn Trọng Tạo tặng cho tập thơ Đồng dao cho người lớn. Trong tập thơ này, Giáng Son rất ấn tượng với bài thơ Cỏ và mưa ngắn gọn chỉ có 4 câu. Khi đọc bài thơ này, trong Giáng Son đã hiện ngay lên những giai điệu đầu tiên của bài nhạc và bắt tay vào phổ thành một tác phẩm âm nhạc.
Tuy nhiên, vì bài thơ ngắn quá nên khi đến phần điệp khúc lại không có ý tưởng về phần lời nên Giáng Son đã liên hệ với anh Nguyễn Trọng Tạo nhờ anh thêm phần lời ở điệp khúc để tạo nên sự thống nhất về mặt cảm xúc và ca từ cho ca khúc. Cỏ và mưa trở thành ca khúc rất đặc biệt khi phần đầu là Giáng Son phổ thơ, nhưng phần sau lại do anh Nguyễn Trọng Tạo viết lời trên giai điệu của Giáng Son.
Đây là ca khúc lần đầu tiên Giáng Son phổ thành điệu Blue Jazz được các thí sinh biểu diễn trong rất nhiều cuộc thi âm nhạc lớn như: Sao mai, Sao mai Điểm hẹn, The Voice, Vietnam Idol… Giáng Son coi bài hát này như một cái duyên đầu tiên của mình với anh Nguyễn Trọng Tạo".
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là người đa tài, sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm trong các lĩnh vực nghệ thuật: sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi và xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 27 tuổi.
Nguyễn Trọng Tạo còn là một người lính, nhập ngũ năm 1969. Từ bộ đội, ông theo học tạo Trường Viết văn Nguyễn Du, trải qua nhiều vị trí công tác ở Nhà văn hóa Quân Khu 4, Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Hội Nhạc sỹ Việt Nam… Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo xuất bản hơn 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Thơ của Nguyễn Trọng Tạo được ngâm diễn trong chương trình. Clip: NTK
Nhắc đến Nguyễn Trọng Tạo, công chúng mãi nhớ đến những tập thơ, trường ca được viết bởi bút pháp tài hoa như: Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao… Về âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo cũng có nhiều ca khúc đi vào lòng người nghe bao thế hệ như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... Về hội họa, Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của hàng trăm bìa sách và minh họa.
Nguyễn Trọng Tạo đã sống một cuộc đời trọn vẹn vì nghệ thuật. Ngày 7/1/2019, ông qua đời vì bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 72 tuổi. "Người bước ra từ ca dao", "nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam" ấy không còn nữa nhưng di sản nghệ thuật mà ông để lại mãi mãi còn lưu giữ trong trái tim của công chúng nhiều thế hệ.