Trong năm 2023, thị trường xe sang bán được 8.242 chiếc với mức tiêu thụ trung bình 687 xe/tháng. Tới nửa đầu năm 2024, con số này mới đạt 2.492 xe, mỗi tháng chỉ bán được 208 xe. Rõ ràng, tốc độ bán ra đã giảm tới 70%.
Trong nhóm 10 mẫu xe bán chạy, tốc độ tiêu thụ bình quân giảm 45%. Với tình hình như vậy, có nghĩa sẽ rất khó để các hãng đạt được con số như kỳ vọng, chí ít trên lý thuyết là bằng với kết quả của năm ngoái.
Chuyên gia ô tô Quang Anh nhận định với PV Dân Việt: "Để giải thích cho việc giảm thiểu tốc độ bán ra thì việc khách hàng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế gặp khó là điều dễ thấy nhất. Mức chi tiêu trung bình trên giá niêm yết và mức chi tiêu trên thực tế bán ra đều giảm; đặc biệt là mức chi tiêu trên giá niêm yết giảm tới 12% tương đương 400 triệu đồng. Điều này nghĩa là khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn những mẫu xe rẻ hơn trong cùng phân khúc.
Điển hình có thể thấy trong top 10 của năm 2023 có 3 mẫu xe khá mắc tiền là Mercedes C300; Porsche Macan và Mercedes GLS450 thì tới năm nay đã bị thay thế bởi Lexus ES; Volvo S90 và BMW The5. Bù lại, mức chi tiêu thực tế chỉ giảm nhẹ 1%, khoảng 50 triệu đồng – con số khá nhỏ. Đây là cơ hội còn lại để các hãng "bám víu" bởi người giàu thì vẫn sẽ chi tiền vì sự an toàn hay sự thể hiện của họ nếu thực sự điều đó là cần thiết".
Mặc dù đã đi tới thời điểm giữa năm 2024 song đa phần các hãng xe sang vẫn còn tồn kho một lượng khá lớn VIN 2023. Cá biệt vẫn có xe 2021 hoặc 2022 nhưng số lượng này không nhiều và đã dễ thở hơn so với thời điểm cuối năm ngoái.
Nhiều hãng, về mặt ngoài, đã ngưng công khai các chương trình hỗ trợ để tránh làm mất giá thương hiệu nhưng thực chất các khách hàng vẫn được hưởng mức chiết khấu có thể lên tới 10% tuỳ mẫu và tuỳ VIN. Điều này thể hiện bằng kết quả tháng 4 và tháng 5 đã có sự nhích rất nhẹ về mặt doanh số.
Tuy nhiên rào cản lớn nhất vẫn là thuế trước bạ, đặc biệt là áp dụng cho các dòng xe CBU (Xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam). Có tới phân nửa top 10 H1 2024 là xe nhập khẩu nguyên chiếc thì phần thiệt thòi sẽ nghiêng về Lexus và Volvo nếu nhìn sang những người Đức ở phía còn lại.
Rất có thể thuế trước bạ cho xe CKD (Xe CKD là những chiếc xe ô tô được các hãng xe nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ nước ngoài về, tiến hành hoàn thiện lắp ráp xe tại nhà máy trong nước. Những hãng xe này thường đã có nhà máy ở Việt Nam, thực hiện công đoạn lắp ráp, gia công lại nhà máy) được áp dụng vào cuối tháng 6 còn xe CBU sẽ rất khó để được hưởng ưu đãi này.
"Các nhà nhập khẩu sẽ phải "cắt máu" để có chính sách bán hàng bình đẳng. Lexus đang có ưu thế về lòng trung thành tuyệt đối và túi tiền không đáy của các chủ tịch nên sẽ đứng ngoài cuộc như thường lệ. Còn hãng xe Thuỵ Điển sẽ phải thực sự "liệu cơm gắp mắm" cho chặng đường dài 6 tháng sắp tới", ông Quang Anh nhận định.