Sáng 14/6, Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm làm việc trực tiếp tại TAND tối cao và kết nối trực tuyến với hệ thống tòa án trên toàn quốc.
Tại buổi làm việc, TAND tối cao có báo cáo cho thấy, số lượng các loại vụ việc hệ thống tòa án phải giải quyết bình quân những năm gần đây tăng khoảng 8%/năm với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp.
Các tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nên chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án được hạn chế ở mức thấp, dưới 1,5%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Từ đầu năm công tác 2024 đến nay, số lượng các loại vụ, việc thụ lý tăng 39.635 trường hợp so với cùng kỳ năm trước nhưng các tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 62,68%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,82%. Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội…
Bên cạnh đó, hệ thống tòa án cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động như tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn. Việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp vướng mắc về thu thập chứng cứ; việc phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu bật và đánh giá cao những thành tích mà hệ thống TAND đạt được thời gian qua đồng thời nhấn mạnh, quá trình phát triển của tòa án gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước.
Chủ tịch nước khẳng định, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ cán bộ, thẩm phán đã làm nên truyền thống tốt đẹp của ngành tòa án; luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, trân trọng.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp của hệ thống tòa án, Chủ tịch nước đề nghị hệ thống tòa án cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khả thi nhằm khắc phục cho được những hạn chế, bất cập; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Tô Lâm nêu yêu cầu, năm 2024 là năm tăng tốc để năm 2025 về đích thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời chuẩn bị các công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vì vậy, trọng trách của các tòa án là tập trung thực hiện khẩn trương hơn yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ.
Để các mặt hoạt động của hệ thống tòa án đạt kết quả tốt, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, pháp quyền, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Hệ thống tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử, tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế, tiến tới không để xảy ra các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết; tăng hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Nhấn mạnh nếu không "chí công vô tư" trong "phụng công thủ pháp", thẩm phán có thể ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Do vậy, Chủ tịch nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự trong sạch, thanh liêm, chính trực, đặt lợi ích chung của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên trên hết, trước hết.
Đây là yếu tố "căn cơ nhất" bởi chất lượng cán bộ tư pháp quyết định rất lớn, thậm chí có tính quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án và cuối cùng là chất lượng của nền tư pháp.