10 kiểu phụ huynh là ác mộng với giáo viên
Không phải tất cả phụ huynh đều hợp tác và thấu hiểu, có những kiểu cha mẹ có thể khiến công việc giảng dạy của giáo viên trở nên khó khăn, thậm chí là ác mộng, theo trang Parents.
1. Phụ huynh không biết giới hạn: Với giáo viên, phụ huynh không có giới hạn là một thách thức. Họ có thể nhắn tin cho giáo viên lúc 23h, bất kể nội dung quan trọng hay không. Mỗi khi kiểm tra tin nhắn, giáo viên sẽ thấy một hoặc nhiều dòng tin dài lê thê từ vị phụ huynh này. Giờ nghỉ giải lao 5 phút hay giờ ăn trưa 30 phút, họ cũng có thể tìm cách gặp giáo viên để trao đổi. Ảnh: Acsa.
2. Cha mẹ vô hình: Đây là kiểu phụ huynh có tên trong danh sách nhưng thực tế không bao giờ xuất hiện. Điều này khiến giáo viên lo lắng vì học sinh có bố mẹ quan tâm thường sẽ học tập tốt hơn. Tất nhiên, các thầy cô biết phụ huynh nào cũng bận rộn, nhưng ít ra họ cũng nên dành thời gian trao đổi qua điện thoại hoặc gặp gỡ trực tiếp trong các buổi họp phụ huynh. Ảnh: Verywell Family.
3. Can thiệp thái quá: Ví dụ điển hình của phụ huynh can thiệp thái quá là khi gặp vấn đề trong lớp học của con, họ chọn cách đến gặp thẳng cấp trên thay vì trao đổi trước với giáo viên. Hành động này ngầm thể hiện sự thiếu tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn đề của giáo viên cũng như gây khó dễ cho họ. Ảnh: Pexels.
4. Nuông chiều con quá mức: Cha mẹ nào cũng thương con, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Đối với họ, con cái là cả thế giới. Nhưng trong môi trường giáo dục, bố mẹ nuông chiều con quá mức lại là một thách thức. Những phụ huynh này thường kỳ vọng con mình được đối xử đặc biệt. Chúng không cần làm bài tập về nhà, đi học đúng giờ hay tuân theo nội quy lớp học. Họ tin rằng con mình hoàn hảo và không bao giờ mắc lỗi. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho giáo viên, bao gồm vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong lớp học, cản trở việc hình thành tính kỷ luật và trách nhiệm cho trẻ. Ảnh: Extension.
5. Bố mẹ tranh quyền dạy con: Đây là tình huống thường gặp với những bố mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi con nhưng lại mâu thuẫn trong mọi vấn đề khác. Họ dường như chạy đua xem ai có thể thể hiện mình tốt hơn, đồng thời hạ thấp người kia. Họ không bao giờ thống nhất với nhau, và việc trao đổi thông tin về những gì diễn ra ở trường học gần như là không thể. Trong cuộc đua này, trẻ em luôn là người thiệt thòi. Ảnh: Mindprintlearning.
6. Phó mặc con cho nhà trường: Tất cả bố mẹ đều muốn con họ học tốt hơn ở trường nhưng phụ huynh kiểu này muốn con có điểm cao hơn, cải thiện khả năng đọc mà chính họ không cần đụng tay vào bất cứ việc gì. Ví dụ, dù giáo viên đã giải thích nếu muốn con đọc tốt hơn, bố mẹ cần đọc sách cùng con vào buổi tối nhưng cuối cùng, phụ huynh vẫn tìm kiếm những cách khắc phục nhanh hơn hay các giải pháp khác mà họ không cần làm gì nhiều. Ảnh: OSU.
7. Phụ huynh thích làm quá vấn đề: Kiểu phụ huynh này có đặc điểm là phóng đại mọi chuyện nhỏ nhặt ở trường học của con thành vấn đề nghiêm trọng. Họ liên tục nhắc lại vấn đề đó cho đến khi đạt được mục đích. Họ có thể dùng nước mắt, la hét... sao cho thật kịch tính. Tất cả sẽ không chấm dứt cho tới khi ban giám hiệu vào cuộc và phụ huynh khác đều nhắc tới sự việc như một sự bất công. Ảnh: Tutordoctor.
8. Bố mẹ "trực thăng": Nhiều phụ huynh can thiệp sâu vào mọi hoạt động của trẻ, được ví như "bố mẹ trực thăng" luôn luôn "bay" lơ lửng trên đầu con. Những bố mẹ này thường xuyên xuất hiện ở trường, ngay cả khi giờ tan học đã qua lâu. Họ dường như không bao giờ để con cái tự làm điều gì, từ việc buộc dây giày, tự làm thủ công hay mắc vài lỗi nhỏ. Ảnh: Pexels.
9. Cha mẹ có ác cảm với giáo viên: Một số bậc phụ huynh có thái độ ác cảm với giáo viên. Những vị phụ huynh này thường cho rằng nghề giáo chỉ là nghề “dự phòng”, giáo viên chỉ chọn nghề này vì được nghỉ hè vài tháng. Tồi tệ hơn, họ thậm chí nghi ngờ giáo viên cố tình gây khó dễ cho con mình. Bất cứ vấn đề gì của học sinh, họ cũng quy kết là lỗi của giáo viên và đồng nghiệp. Ảnh: Edutopia.
10. Phụ huynh quyền lực: Phụ huynh kiểu này mang phong cách quản lý doanh nghiệp vào lớp học, và họ muốn đảm bảo rằng vị trí của người dạy dỗ con cái họ phải là ở dưới. Họ không coi giáo viên là đối tác mà là một nhân viên dưới quyền. Trong thâm tâm, họ nghĩ "Tôi đóng tiền, tôi có quyền" và giáo viên chẳng khác gì người phục vụ cho con cái họ. Ảnh: Shutterstock.