Dân Việt

Những cống hiến thầm lặng ở Trường Sa

Nguyễn Hoà 16/06/2024 23:22 GMT+7
Có thầy giáo dù đã lớn tuổi nhưng vẫn tình nguyện đến với Trường Sa để "ươm mầm" cho các "măng non". Có những cán bộ ở đất liền cũng tình nguyện xin ra Trường Sa công tác mà chẳng nề hà vất vả, thiếu thốn.

"Nơi nào cần thì thầy sẵn sàng đến với các con"

Đó là câu nói của thầy giáo Phan Quang Tuấn – thầy giáo của Trường Tiểu học xã Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn, Trường Sa, Khánh Hoà) khi chia sẻ với chúng tôi.

Đảo Sinh Tồn cách đất liền 320 hải lý, chạy dài theo hướng Đông Tây với thảm thực vật đặc thù với những cây bàng vuông, phong ba, bão táp, mù u…

Ở đảo Sinh Tồn, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn được xây dựng rất khang trang, kiên cố. Ngày Đoàn công tác số 19, Quân chủng Hải quân chúng tôi lên thăm đảo vào tháng 5/2024, thầy và trò của Trường Tiểu học xã Sinh Tồn đang trong giờ học.

Những cống hiến thầm lặng ở Trường Sa- Ảnh 1.

Thầy Phan Quang Tuấn (hàng sau, thứ tư từ trái sang) cùng các bé tại Trường Tiểu học xã Sinh Tồn chụp ảnh cùng các thành viên Đoàn công tác số 19, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Nguyễn Hoà

Thấy có đoàn khách đến thăm, cả thầy và trò của lớp thầy Phan Quang Tuấn dừng lại, hồ hởi đón tiếp. Chia sẻ với PV, thầy Tuấn cho biết, thầy có hơn 36 năm dạy tiểu học ở TP.Nha Trang. Năm 2024 là năm học đầu tiên thầy tình nguyện ra đảo để "ươm mầm cho các măng non".

Theo thầy Tuấn, ở đâu có dân thì ở đó sẽ có trường học và nơi nào cần thì thầy sẵn sàng đến với các con. Thầy Tuấn cũng bộc bạch, tuy khó khăn nhưng tình yêu thương của anh em chiến sĩ, nhân dân trên đảo khiến thầy muốn gắn bó lâu dài với đảo trong thời gian công tác còn lại của mình.

Đón đoàn khách đến thăm, thầy và trò của Trường Tiểu học xã Sinh Tồn đã chuẩn bị những tiết mục văn nghệ rất đặc biệt. Ngay tại lớp học, bé Phạm Anh Thư (5 tuổi, lớp mầm non Trường Tiểu học Sinh Tồn) tự tin đứng lên giới thiệu trước các đoàn khách đến thăm.

Bằng chất giọng trong trẻo, Anh Thư đã đọc tặng các đại biểu bài thơ Quê em ở Trường Sa: Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm, đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển /Những chuyến tàu yêu thương/Mang hơi ấm đất liền/Nhà em đảo Sinh Tồn/Còn bạn Song Tử Tây/Sẽ thấy vui biết mấy/Nếu đảo gần nhau hơn/Mỗi bước em đến trường/Phong ba rợp bóng mát/Chú hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/Các bạn đất liền ơi/Một lần ra đảo nhé/Tự hào em sẽ kể/Quê em ở Trường Sa.

Giữa khung cảnh mênh mông của biển cả, hình ảnh thầy giáo Tuấn, hình ảnh bé Anh Thư cùng các bạn học bài thật mộc mạc, gần gũi. Thầy Tuấn hôm đó còn cùng với các bé trong lớp đến giao lưu văn nghệ cùng đoàn công tác.

Những cống hiến thầm lặng ở Trường Sa- Ảnh 2.

Thầy Tuấn cùng các học trò đến góp vui trong chương trình văn nghệ giao lưu giữa đoàn công tác và quân, dân trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Nguyễn Hoà

Trong nền nhạc bài hát "Cháu yêu chú bộ đội", các bé của Trường Tiểu học xã Sinh Tồn đã vừa hát, vừa múa những động tác rất tinh nghịch, đáng yêu. Phía bên dưới, thầy Tuấn như một đạo diễn, bắt nhịp, xếp chỗ cho các con đứng hát.

Còn ở đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa), lớp học nhỏ của thầy Lê Xuân Hạnh và các học trò nhỏ nằm sau hàng phong ba xanh mướt.

Ở tuổi 53, quê ở Khánh Hoà, thầy Hạnh đã có hơn 35 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó thầy dành 15 năm dạy học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Cam Lâm.

 Clip các bé Trường Tiểu học xã Sinh Tồn hát, múa bài hát "Cháu yêu chú bộ đội" gửi tặng các "khán giả đặc biệt". Clip: Nguyễn Hoà

Thầy Hạnh sau đó đã viết đơn tình nguyện ra huyện đảo Trường Sa công tác và đến nay cũng gần 5 năm. "Trường Sa là một phần của Khánh Hòa quê hương tôi, vậy nên tôi luôn mong muốn có dịp được đặt chân đến đây để dạy chữ cho con em nhân dân trên đảo. Dẫu biết điều kiện sinh hoạt, giảng dạy không như trong đất liền, nhưng tôi nguyện cố gắng hết sức mình" - thầy Hạnh bày tỏ.

Từ ngư dân trở thành dân quân tự vệ trên đảo

Đó là truờng hợp của anh Phạm Ngọc An - dân quân tự vệ xã đảo Song Tử Tây. Ngày đoàn công tác chúng tôi lên thăm, anh An chỉnh chu, nghiêm ngắn trong bộ trang phục dân quân tự vệ. Vợ anh và 2 con nhỏ mặc những bộ áo dài cờ đỏ, sao vàng thiêng liêng để đón khách.

Anh an vốn là ngư dân ở tỉnh Khánh Hoà. Qua nhiều lần được Quân chủng Hải quân hỗ trợ trong những lần ra khơi bám biển, anh An rất biết ơn và đã mong muốn được góp sức cùng các lực lượng.

Năm 2023, được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, anh An đã đưa vợ con ra xã đảo Song Tử Tây sinh sống, trở thành dân quân tự vệ, được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra trên đảo.

Với anh Nguyễn Duy Mạnh - công nhân Công ty Biển Đông và Hải đảo, người trực ngọn Hải đăng Đá Tây, bảo vệ "mắt ngọc của Trường Sa" là nhiệm vụ cao cả anh được giao phó.

Những cống hiến thầm lặng ở Trường Sa- Ảnh 3.

Vợ chồng anh Phạm Ngọc An - dân quân tự vệ xã đảo Song Tử Tây và các con hiện đang sinh sống trên đảo. Ảnh: Nguyễn Hoà

Mỗi buổi sáng, tuỳ theo ca trực, anh Mạnh và các đồng nghiệp tiến hành kiểm tra máy móc, bảo dưỡng hoặc khắc phục nhanh chóng mọi sự cố nếu có. Đúng 17 giờ 30 phút hàng ngày, hải đăng Đá Tây sẽ sáng đèn phục vụ bà con ngư dân và tàu thuyền hàng hải.

Nhiều hôm bão nổi, những cơn sóng lớn, cao vài mét đánh thẳng vào hải đăng khiến khu sinh hoạt phía dưới ngập trong nước, nhiều khi mất trắng vườn rau, tuy vậy anh Mạnh cùng các đồng nghiệp chưa bao giờ nản lòng.

Chia sẻ với PV, anh Mạnh nói bằng giá nào cũng không được để đèn tắt. Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, cứ đúng giờ đấy, ánh sáng từ đèn của Hải đăng Đá Tây lại sáng lên để đảm bảo an toàn hàng hải, góp phần hỗ trợ ngư dân và là "ánh sáng chủ quyền" nước ta trên biển Đông.

Một đơn vị khác cũng có những cống hiến thầm lặng cho ngư dân bám biển ở Trường Sa đó là Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật âu tàu đảo Trường Sa lớn (thuộc Hải đoàn 129). Mới thành lập năm 2019, nhưng trung tâm đã trở thành đơn vị mũi nhọn trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, trọng tâm là hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá.

Những cống hiến thầm lặng ở Trường Sa- Ảnh 4.

Theo anh Nguyễn Duy Mạnh - công nhân Công ty Biển Đông và Hải đảo, người trực ngọn Hải đăng Đá Tây, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các anh cũng không bao giờ để đèn hải đăng tắt. Ảnh: Hải Đăng

Được trang bị một tàu cao tốc quân y phục vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; có hệ thống nhà xưởng sửa chữa tàu, khu nhà lưu trú cho ngư dân tránh bão được đầu tư khang trang, Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật âu tàu đảo Trường Sa lớn đã rất nhiều lần hỗ trợ ngư dân trong những tình huống cấp bách.

Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã sửa chữa thành công 49 tàu cá cho ngư dân. Trung tâm cũng có nơi neo đậu thuyền, lưu trú, khám sức khỏe và cấp miễn phí lương thực, nước ngọt cho bà con.

Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật âu tàu đảo Trường Sa lớn Trần Cộng Hoà cho biết, mỗi chuyến đi biển, ngư dân tốn hàng trăm triệu đồng vào ngư cụ, xăng dầu, lương thực, nước uống.

Nếu chẳng may tàu gặp nạn, hỏng hóc thì coi như "xôi hỏng bỏng không", phải bỏ dở chuyến đi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế lẫn sức khỏe.

"Bởi vậy, khi bà con liên hệ với Trung tâm, chúng tôi ngay lập tức có biện pháp hỗ trợ sửa chữa tàu, cấp miễn phí nước ngọt, gạo, rau xanh, thịt hộp, để ngư dân tiếp tục chuyến đi và trở về an toàn" – Thiếu tá Trần Cộng Hoà nói.

Theo Thiếu tá Hoà, đã có trường hợp ngư dân bị đột quỵ, đau ruột thừa đã được trung tâm kịp thời cấp cứu và may mắn giữ được mạng sống. Trân trọng sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ, mỗi khi ra khơi và có dịp ghé thăm, bà con ngư dân đều dành cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây những tình cảm ân cần, thắm thiết nhất.

Cũng có trường hợp khác như anh Lê Quang Trung (SN 2000, Khánh Hoà) đã làm đơn xung phong ra Trường Sa. Anh Trung hiện đang là công chức văn hoá xã hội, kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Thị trấn Trường Sa. Tốt nghiệp đại học năm 2022, sau khi thi tuyển và đỗ kỳ thi tuyển công chức cấp xã của tỉnh Khánh Hoà, Trung đã viết tay lá đơn xung phong ra huyện đảo tiều tiêu. Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đơn vị, Trung thấy rất tự hào, vinh dự khi được thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa.