Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt giữ ông Lê Văn Hùng – Viện trưởng và ông Nguyễn Thành Công – Phó Viện trưởng, ông Bùi Thế Hùng – nguyên Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Ngoài ra, các bác sĩ Phạm Văn Thắng (Phó Trưởng khoa điều trị nam 4) và bà Lâm Thị Ánh Hồng (điều dưỡng trưởng khoa giám định), bác sĩ Nguyễn Văn Trọng (Trưởng khoa điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất) và bác sĩ Hà Ngọc Khánh thuộc Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa cũng bị bắt giữ để điều tra.
Bên cạnh đó, nhiều người khác là lãnh đạo phòng, ban… cũng được cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai, làm rõ các sai phạm.
Theo cơ quan chức năng, những người bị bắt này liên quan đến việc giám định sức khỏe bệnh nhân, một số hồ sơ kết quả giám định, điều trị những bệnh nhân liên quan đến các vụ án.
Việc này khiến dư luận hoài nghi các kết quả giám định tâm thần trong các vụ án trước đây liệu có khách quan. Điển hình, nhiều người trong những vụ án lớn đã được... thoát nhờ có "kim bài miễn tử".
Nhiều năm qua, nhờ có "kim bài miễn tử" mà nhiều bị can thoát án tử, sau đó được cơ quan chức năng đưa đi chữa bệnh bắt buộc rồi bỏ trốn khiến dư luận bức xúc.
Điển hình, Công an TP.HCM vừa phát thông báo truy tìm đối tượng Trần Thị Mỹ Hiền (SN 1963, ngụ quận 1, TP.HCM).
"Nữ quái" Trần Thị Mỹ Hiền nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia, là bị can trong vụ án Trần Thị Mỹ Hiền, Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Hồng Hạnh cùng đồng bọn "phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần TVĐT Angle Lina, Công ty TNHH TMDV Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty TNHH TVĐT BĐS Hoàng Kim Land.
Hiền và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên tới gần 816 tỷ đồng của nhiều người. Vào cuộc điều tra, Hiền cùng đồng bọn bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam.
Tưởng chừng Hiền và đồng bọn sẽ trả một cái giá đắt, nhưng bất ngờ gia đình "nữ quái" trưng kết quả giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM vào năm 2016. Kết quả giám định thể hiện Hiền bị tâm thần.
Để có cơ sở pháp lý xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trần Thị Mỹ Hiền, Cơ quan điều tra đã thực hiện các quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Trần Thị Mỹ Hiền.
Ngày 14/5/2020, Viện Pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam (Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa) kết luận: "Trước, trong, sau khi gây án (từ tháng 5/2017 đến tháng 6/2019) và hiện nay, đương sự Hiền bị rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp. Tại các điểm kết luận đương sự Hiền mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Tuy nhiên, các tài liệu liên quan đến bệnh án của Hiền điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM do cơ quan điều tra thu thập, thể hiện Hiền chỉ bị trầm cảm trung bình và điều trị ngoại trú.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục có 2 lần quyết định trưng cầu giám định lại, tiến hành giám định pháp y tâm thần đối với Trần Thị Mỹ Hiền.
Từ các kết quả giám định pháp y tâm thần, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự với bị can và tạm đình chỉ điều tra đối với Trần Thị Mỹ Hiền.
Ngày 23/3/2021, Cơ quan điều tra thực hiện đưa Trần Thị Mỹ Hiền đến chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Đến ngày 18/3/2024, Công an TP.HCM nhận được thông báo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa về việc Hiền đã trốn khỏi viện.
Tương tự, bà Tống Thị Bạch Lan (ngụ quận 7, TP.HCM) bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Sau đó, bà Lan kháng cáo và được Tòa án cấp cao tại TP.HCM cho đi giám định tâm thần. Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa giám định tại thời điểm mua bán ma túy, đương sự bị... tâm thần (?!)
Chính nhờ kết luận này, vụ án được TAND cấp cao tại TPHCM ra quyết định tạm đình chỉ, bị cáo Lan phải đi trị bệnh bắt buộc.
Nhưng chỉ năm ngày sau, bà Lan bỏ trốn khỏi viện. Năm 2022, bà Lan bị công an bắt quả tang khi đang mang theo 10 bánh heroin trên địa bàn quận 8, TP.HCM...