Chúng tôi gặp nhà báo Chu Chí Thành (80 tuổi), cựu phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam tại nhà riêng trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong căn nhà nhỏ, những câu chuyện trên các nẻo đường tác nghiệp của nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cứ thế ùa về trong niềm cảm xúc vô bờ.
Năm 1966, khi mới học hết năm thứ ba tại khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp, Chu Chí Thành nằm trong số các thanh niên được lựa chọn đi B (chiến trường miền Nam). Họ theo xe của Thông tấn xã Việt Nam lên địa điểm sơ tán ở Hà Tây để học lớp thông tin báo chí.
Trong lớp học, có hai chương trình: Viết tin và nhiếp ảnh. Chàng học viên Chu Chí Thành đã chọn ngay nhiếp ảnh bởi ông nghĩ mình đã được học cách viết ở trong trường rồi. Thêm nữa, ông cho rằng ở chiến trường ác liệt thì chiếc máy ảnh sẽ rất hữu ích, chụp xong có thể dùng được ngay hoặc lưu lại làm tư liệu để sau này tiếp tục viết.
Cuối năm 1967, anh chàng phóng viên trẻ được phân về tổ ảnh quân sự của Thông tấn xã Việt Nam – lực lượng mũi nhọn khi chiến sự ở đâu nổ ra căng thẳng nhất, gay go nhất đều có mặt. Vậy là người phóng viên này đã lăn xả khắp các trận địa từ Hà Nội vào đến Quảng Bình, Quảng Trị… suốt những năm 1967-1973.
"Khi được phân về tổ ảnh quân sự, tôi được giữ lại ở miền Bắc. Lúc đó, Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt. Tôi đi vào trận địa chụp ảnh, đúng như câu thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: 'Ôi nhớ Thủ đô năm ấy/ Ta đánh giặc trên mâm pháo.' Khi ấy tác nghiệp, phóng viên phải chụp được gương mặt người lính, chụp được không khí chiến đấu, khẩu pháo nhả đạn toé lửa ra mới dùng được. Máy ảnh lúc đó thô sơ hơn bây giờ, chụp được bức ảnh có khí thế, có mồ hôi, thậm chí có cả máu của người lính đòi hỏi phải lăn xả", ông Thành nhớ lại.
Để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những người lính chiến trường như ông Thành thường xuyên phải đứng trên ụ Radar. Tuy nhiên, trên ụ là điểm rất nguy hiểm bởi máy bay địch thu được sóng của quân đội ta. Địch thường phóng tên lửa vào ụ Radar để tiêu diệt. Chính vì vậy khi đứng tại điểm này rất dễ hy sinh.
"Chúng tôi chứng kiến trận đánh trong bắn ra, ngoài bắn vào, trên dội bom xuống. Phải nói rằng chị em pháo binh là nữ nhưng vô cùng bình thản, gan dạ, nổ súng rất dứt khoát. Tôi cũng bị hút theo hành động và không nghĩ đến chuyện bom đạn xung quanh. Tôi tìm cách làm sao chụp hình ảnh của họ thật đẹp. Đó là ký ức ngày đầu tác nghiệp của tôi. Mặc dù chưa có kinh nghiệm nên tôi để tốc độ hơi chậm, ảnh bị rung do bom đứng không vững nhưng đó là những bức ảnh tác nghiệp tôi vẫn thích bởi nó đánh dấu khoảnh khắc trưởng thành của mình", ông Thành kể.
Ông cũng bày tỏ, thời bấy giờ đã chấp nhận vào chiến trường là chấp nhận bom đạn, hy sinh. Thậm chí di chuyển bằng xe đạp vượt quãng đường từ Hà Nội vào Quảng Trị hơn 500km, cả đi cả về hơn 3 tháng nhưng chuyến đi công tác để lại cho chàng phóng viên trẻ Chu Chí Thành khi ấy vô số kỷ niệm sâu sắc. Chuyến công tác đó làm ông trưởng thành hơn rất nhiều.
"Ai cũng nói mình sẵn sàng hy sinh gian khổ nhưng vào thực tế trận địa bom đạn mới thấy ác liệt của nó thế nào. Những người lính, thanh niên xung phong, dân quân rất gan dạ bình tĩnh, họ bắn máy bay, tàu chiến Mỹ như chuyện thường nhật. Từ đó, tâm thế của mình là người phóng viên trở nên rất gan dạ, bom đạn, hy sinh, gian khổ cũng trở nên quá đỗi bình thường. Chuyến đi đầu tiên vào Quảng Bình, Quảng Trị năm 1968, tôi tự thấy mình trưởng thành rất nhiều. Gương dũng cảm của những người lính, những thanh niên xung phong, du kích đã truyền cho tôi sức mạnh. Các nhà báo mà gắn liền với thực tế sẽ lớn và trưởng thành lên. Đó là bài học tôi rút ra được", ông Thành chia sẻ.
Trong quá trình làm việc, những bức ảnh chụp chiến tranh rất sinh động nhưng đáng nhớ nhất với ông Thành đó là bộ ảnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Bộ ảnh gồm 4 bức: "Tay bắt mặt mừng" với hình ảnh một nhóm người gồm quân Giải phóng, nữ du kích và lính quân đội Cộng hòa vui vẻ, tươi cười bắt tay nhau; "Hai người lính" với hình ảnh chiến sỹ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội và anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa người Sài Gòn khoác vai nhau thân thiện; "Cầu Quảng Trị", với hình ảnh về cây cầu Quảng Trị đổ nát - nơi mà những người lính của hai bên chiến tuyến từng giáp chiến; "Những bàn tay lưu luyến" là hình ảnh về những người lính Sài Gòn được trả tự do và các chiến sỹ Giải phóng lưu luyến vẫy chào nhau trên sông Thạch Hãn mùa Xuân năm 1973.
Ông Thành vẫn nhớ như in khoảnh khắc sau ngày ký Hiệp định Paris được lãnh đạo TTXVN cử đi công tác với hai nhiệm vụ: Một là chụp ảnh về cuộc trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn - cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam; hai là đi thị sát và ghi lại hình ảnh, đưa tin về việc thi hành Hiệp định Paris ở Quảng Trị.
Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, ông và đồng nghiệp tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, đoàn công tác đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, chàng phóng viên ảnh Chu Chí Thành đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua "giới tuyến" sang địa phận quân Giải phóng chơi. Khi tốp lính Sài Gòn sang, bộ đội của ta ra đón. Họ hồ hởi nói chuyện với nhau. Rồi những người lính Sài Gòn vui vẻ bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch.
"Tôi đã giơ máy ảnh lên bấm máy, ghi lại hình ảnh các chiến sĩ quân Giải phóng, nữ du kích của ta tay bắt mặt mừng với những người lính Cộng hòa trong không khí vui vẻ, như chưa từng có sự phân chia thù địch. Trong không khí vui vẻ ấy, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính Giải phóng và đề nghị tôi chụp cho một kiểu ảnh. Tôi đã ngay lập tức chụp lại khoảnh khắc hai người lính đó khoác vai nhau và bức ảnh 'Hai người lính' ra đời", ông Thành chia sẻ.
Hai người lính đã từng đánh nhau ở Quảng Trị và từng nếm trải ranh giới sống chết giữa bom đạn của hai phía, vì thế nên họ hiểu được giá trị của giây phút hòa bình. Ông cũng vài lần "chết hụt" nên lúc đó cũng có cảm xúc gần như đồng điệu với những người lính này. Họ vốn là những người con của đất nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau. Và lúc đó ông nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa.
Nhìn bức ảnh trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, cảm xúc ông Thành có lúc bồi hồi xúc động. Khi chiến sĩ đến bờ Nam chuẩn bị bước xuống thuyền họ đã cởi phăng tất cả quần áo tù vứt trả lại, chỉ còn mặc lại quần đùi, áo may ô, riêng động tác đó ông thấy khí thế rất cao trào.
"Anh em dương cờ, biểu ngữ lên đầy sông, như cuộc biểu tình trên sông Thạch Hãn. Một số phóng viên nước ngoài cũng phải rơi nước mắt, họ phải lấy khăn lau mới quay phim tiếp. Những người trước đó, họ bị tù đầy không biết bao giờ được ra, được trở về với vợ con, gia đình, không biết bao giờ mới trở lại quê hương. Họ nằm trong nhà tù hằng ngày bị đàn áp, tra tấn. Đến khi được trao trả tự do họ nghĩ mình đã được sống, đó là cảnh không phim trường nào dựng được, gây xúc động rất lớn về tình đồng chí, đồng đội, tình con người thể hiện rất cao", ông Thành hồi ức.
Ông xúc động hơn nghe được tin anh Nguyễn Văn Sang và chị Nguyễn Thị Thu Hà là hai vợ chồng cùng bị tù đày suốt hơn 12 năm trời. Ông đã đi theo chân và chứng kiến cuộc gặp của hai vợ chồng gây xúc động. Bao năm xa vợ, anh Sang nói: "Hà à, em có khoẻ không?" Chị Hà nhìn thấy chồng như chết lặng, không nói nên lời, vân tay lên dây mũ mãi sau mới nói: "Em vẫn khoẻ".
"Người chồng sau đó khoác tay lên vai vợ tươi cười. Thấy chân anh ấy bị cụt, câu chuyện đó trở thành hình ảnh rất điển hình của ngày trở về, cùng với 3 ảnh khác trở thành bộ ảnh 'Từ ngục tối thắng lợi trở về' giành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012", ông bày tỏ.
Ông Thành tự thấy mình rất nhạy cảm trong quá trình tác nghiệp, bản thân được học hành, được gia đình giáo dục tình yêu thương con người sâu lắng. Ông cho biết, được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc với mình. Điều thú vị nhất của người cầm máy ảnh đó là được may mắn tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi lại lịch sử bằng hình ảnh. Trong nhiệm vụ không có công thức, làm báo không có công thức.
"Quan điểm lập trường của mỗi người làm báo là không thay đổi nhưng trong thực tế luôn luôn xảy ra cái mới, cái lạ phải ghi lại còn không ghi kịp thì không bao giờ có. Ai nghĩ ra việc sắp xếp nhân vật để chụp ảnh thì đó là sự bịa đặt. Với phóng viên báo chí phải tôn trọng sự thật và những sự thật đó xảy ra mình chớp được khoảnh khắc. Đó mới là những bức ảnh có giá trị.
Thời kỳ đó, theo ông Thành, sau khi chụp ảnh xong tráng phim tại trận địa rồi gửi về toà soạn qua bưu điện. Nếu 1 bức ảnh được chuyển nhanh thì mất khoảng 1 tuần, lâu mất cả nửa tháng.
"Bức ảnh tính thời sự tuy không còn nhưng vấn đề lịch sử, thực tế và sự thật thì vẫn còn. Khoảnh khắc lịch sử ấy không bao giờ có lại. Ngẫm lại, tôi thấy rất hài lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ với chức trách phóng viên nhiếp ảnh trong chiến tranh, những bức ảnh trở thành tài liệu lịch sử, nghệ thuật rất có giá trị", ông Thành nói.
Ông Thành đánh giá đội ngũ phóng viên hiện nay có kiến thức, phương tiện, năng động. Mỗi một giai đoạn, thời kỳ có một nhiệm vụ riêng, người làm báo giai đoạn đó phải đứng ra giải quyết, nhiệm vụ của mình chứ không phải của người khác.
"Đứng góc độ độc giả, đồng nghiệp tôi thấy điều mừng thế hệ trẻ hiện nay học học, nghiệp vụ báo chí bài bản, chắc chắn hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Kể cả hiện nay tiếp xúc được với báo chí phương tây, có tầm nhìn đa chiều hơn. Theo tôi, muốn trở thành nhà báo có nhiều đóng góp cho đất nước, dân tộc trước tiên phải có lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mình từ đó luôn luôn suy nghĩ bài báo của mình xứng đáng, có tâm, có tầm, lúc nào đó sẽ có tác phẩm hay, tốt. Khi chưa hài lòng với cuộc sống, lý tưởng của mình như vậy sẽ không thể có tác phẩm hay được", ông Thành nói thêm.