Với những người yêu điện ảnh Việt, hẳn ấn tượng về đạo diễn Đặng Nhật Minh đã quá đậm nét với phim Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông hay Mùa ổi.
Tuy nhiên, Thương nhớ đồng quê cho tới nay, luôn là một biểu tượng khi nhắc tới những tác phẩm điện ảnh mang đậm nét Việt Nam nhất, dẫu nó không đến từ kịch bản gốc do chính đạo diễn này tạo ra.
Thương nhớ đồng quê được dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, kể về Nhâm và cuộc sống ở làng quê của anh bên gia đình gồm mẹ, em gái và chị dâu là Ngữ, và sau này có thêm sự xuất hiện của Quyên - người đàn bà vượt biên nay trở về làng.
Có thể nói, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã "bắt" được cái thần trong truyện ngắn gốc của Nguyễn Huy Thiệp, khi tái hiện những khung cảnh có lẽ sẽ làm xao xuyến bất cứ tâm hồn Việt nào, bất kể họ có từng sinh ra và lớn lên từ làng quê hay không.
Những sự khác biệt trong cách biểu đạt giữa văn học và điện ảnh dường như bị xoá nhoà trong suốt gần 120 phút thời lượng của Thương nhớ đồng quê, thậm chí ta còn nhận ra những dấu ấn cá nhân đậm nét của đạo diễn trong tác phẩm này.
Phong cách làm phim của đạo diên Đặng Nhật Minh nổi bật với tiết tấu chậm, với những cảnh quay đặt các nhân vật vào mối tương quan sâu sắc giữa thiên nhiên - con người, từ đó phản ánh những biến chuyển tâm lý sâu kín và tinh tế của họ.
Nếu như ở trong truyện ngắn gốc, mối quan hệ của Nhâm - Ngữ và Quyên không thực sự sâu sắc, cũng như Nguyễn Huy Thiệp không hề thể hiện rõ bối cảnh thời gian xảy ra câu chuyện thì đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mang đến một tam giác giữa Nhâm và hai người phụ nữ xuất hiện bên cạnh tuổi 17 của anh.
Các cảnh trong phim Thương nhớ đồng quê. Ảnh: NSX
Đó là Ngữ, chị dâu Nhâm - một biểu hiện cho truyền thống: cam chịu, tần tảo, nhẫn nhục nhưng có rất nhiều đè nén bức bối lẫn Quyên - đại diện cho tân thời, tự do, táo bạo nhưng kèm theo đó là nỗi lạc lõng khi mất đi phần nào cội rễ.
Với cách xây dựng hình tượng này lẫn những tương tác xảy ra giữa Nhâm và hai người phụ nữ này, Thương nhớ đồng quê gợi lên trong người xem dòng suy tưởng sâu xa về những xung đột thân phận lẫn những luồng tâm trạng bị ẩn giấu của họ, đặt những dục tình sôi nổi mà bản năng nơi Nhâm hay Ngữ dưới một góc nhìn nhân bản.
Dòng tự sự của phim đem lại cảm giác của những mảng hồi ức, với biết bao khung cảnh quen thuộc nhưng không chỉ dừng lại ở mô tả hiện thực, mà còn được gửi gắm vào những ẩn dụ sâu kín: Đó là cảnh cặp ếch giao hoan giữa trời mưa động, tổ chim với những chú chim non chưa mở mắt, chiếc ti vi với hình ảnh người đẹp hở hang...
Ngoài ra, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho thấy sự gắn bó và thấu hiểu sâu sắc với văn hoá truyền thống của mình, khi một lần nữa ông đưa những hình ảnh của rối nước hay khúc hát đưa tang Minh và Mị vào Thương nhớ đồng quê, như một cách khắc sâu nên những tập quán đã trở thành bản sắc của làng quê Việt.
Đồng quê trong Thương nhớ đồng quê in dấu như một trạm dừng chân bình yên, xa vắng giữa dòng chảy cuộc đời đầy biến động, hơi thở của nó tựa khúc đồng dao đầy nhọc nhằn nhưng chất chứa cảm giác vỗ về, an ủi cho linh hồn những con người từng thuộc về nó. Để đến nỗi khi Quyên, Ngữ hay Nhâm ra đi, những sự ra đi khiến người xem ngỡ rằng vĩnh viễn, họ vẫn nhung nhớ và tìm cách giữ lại sợi dây nối liền với nó, để hẹn một ngày sẽ trở về.
Đúng như tên gọi của mình, Thương nhớ đồng quê tựa như một khúc đồng dao nhẹ nhàng, dẫn bước người xem chìm vào những hồi tưởng êm đềm vụng dại của thời thơ ấu, xen lẫn đâu đó một vài khoảnh khắc của mất mát, đau xót bất ngờ xảy ra để rồi theo thời gian, chậm rãi phai mờ. Nhưng đọng lại ở đó sẽ luôn là một cảm xúc da diết hướng về cội nguồn, tìm về với những gì nguyên sơ, trong sáng nhất của đời người.
Thương nhớ đồng quê là một bộ phim điện ảnh chính kịch Việt Nam ra mắt năm 1995 do đài truyền hình NHK của Nhật Bản và hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam hợp tác sản xuất. Biên kịch kiêm đạo diễn cho bộ phim là NSND Đặng Nhật Minh, một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.
Bộ phim lấy bối cảnh những năm 80 của thế kỷ 20, thời điểm mà tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam đang gặp nhiều thử thách. Từ những năm 1990, sự chênh lệch giữa thành phố và làng quê đã bắt đầu rõ ràng. Bộ phim đã miêu tả một cách rõ nét tình thế khó xử của làng quê thời bấy giờ: trai tráng bỏ lên thành thị, bỏ làng lại cho phụ nữ, trẻ nhỏ và những người già.
Trong quá trình đi tìm bối cảnh quay phim, Đặng Nhật Minh đã phát hiện được hai ngôi làng Thụy Hương và Hương Gia thuộc Hà Nội. Hai ngôi làng với bối cảnh đậm chất thôn quê Việt Nam đã dần trở thành "làng phim trường" được nhiều đạo diễn yêu thích sau khi xuất hiện trong bộ phim này.
Tạ Nọc Bảo vai Nhâm và NSND Lê Vân vai Quyên trong Thương nhớ đồng quê. Ảnh: NSX
Hình ảnh ngôi làng vừa thân thuộc nhưng hiện lên một cách xơ xác và tiêu điều khi con người dần rời bỏ đồng quê mà hướng về nơi phố thị được cho là những hình ảnh ám ảnh người xem nhất của bộ phim.
Bộ phim không chỉ là nỗi niềm với quê hương mà còn là tình cảm trái ngang giữa những người số phận khác nhau.
Thương nhớ đồng quê sẽ được trình chiếu và thảo luận trong chương trình Tuyển chọn phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cùng tọa đàm "Phong cách sáng tác đạo diễn Đặng Nhật Minh" tại LHP châu Á Đà Nẵng 2024.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, diễn viên Quách Thu Phương (phim Hà Nội mùa đông năm 1946) và Minh Hương (phim Đừng đốt) sẽ có mặt để giao lưu với khán giả Đà Nẵng tại chương trình.
LHP châu Á Đà Nẵng 2024 diễn ra từ ngày 2/7 đến ngày 6/7 tới tại thành phố biển Đà Nẵng.