Dân Việt

Ôn thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2024: Thầy giáo chỉ ra lỗi khiến thí sinh mất điểm oan

Tào Nga 20/06/2024 09:04 GMT+7
Chỉ còn 1 tuần nữa thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Thành Công đã đưa ra những nội dung cần nhớ khi làm đề thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nội dung cần ôn tập để làm đề thi Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2024 tốt nhất

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã có những tư vấn cho học sinh trong giai đoạn nước rút.

Thầy Công chia sẻ: Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra và đây là giai đoạn các sĩ tử tập trung cao độ cho việc ôn tập. Kỳ thi năm nay được đánh dấu là kỳ thi lịch sử, khép lại sứ mệnh của chương trình giáo dục phổ thông 2006. Điều thuận lợi với các thí sinh là nội dung ôn tập, cấu trúc và định dạng đề thi, quy trình không có sự thay đổi so với các kỳ thi năm trước. Do vậy, thí sinh có thể tham khảo kinh nghiệm từ thầy cô và anh chị đi trước để ôn tập cho phù hợp. 

Tuy nhiên, nếu kết quả kỳ thi không được như mong muốn và thí sinh phải tham gia kỳ thi năm sau theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các em sẽ phải làm quen với định dạng đề thi mới, dạng câu hỏi mới sẽ vất vả hơn nhiều. Vậy, làm thế nào để vượt qua đề thi môn Sinh năm nay? Đó là các thí sinh cần phải hiểu đề.

Ôn thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2024: Thầy giáo chỉ ra lỗi khiến thí sinh mất điểm oan- Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm. Ảnh: NVCC

Về nội dung: Các nội dung kiến thức truyền thống bao gồm: 4 câu chương I lớp 11 ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 8-10 câu cơ chế di truyền và biến dị từ mức độ nhận biết cho đến vận dụng cao; 7-8 câu Quy luật di truyền ở mức độ thông hiểu, vận dụng; Di truyền quần thể 2 câu thông hiểu, vận dụng hoặc vận dụng cao; di truyền ứng dụng 2 câu ở mức thông hiểu và vận dụng; 1 câu di truyền người; 5 câu tiến hoá ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng; 8-10 câu Sinh thái ở mức thông hiểu, vận dụng thậm chí vận dụng cao.

Về hình thức: đề thi sẽ sắp xếp các câu hỏi ngắn dễ từ đầu và càng về sau càng khó. 20 câu hỏi đầu dành cho thí sinh mục tiêu thi tốt nghiệp nên rất ngắn, dễ và chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu, thậm chí 20 câu này nằm ngay trong trang đầu tiên của đề. Nhiều khả năng, đề thi năm nay sẽ có nhiều câu hỏi đếm hơn thường lệ, số lượng câu hỏi Sinh thái cũng sẽ gia tăng do nội dung này có nhiều "đất diễn" để ra các câu hỏi ứng dụng vào cuộc sống.

Bên cạnh hiểu đề, thí sinh phải "hiểu mình", cần đặt mục tiêu bao nhiêu điểm để phù hợp với lực học và định hướng xét tuyển vào đại học. Một số thí sinh chỉ đặt mục tiêu xét tốt nghiệp, một số thí sinh lại đặt mục tiêu xét tuyển vào đại học tốp đầu với điểm số 9+, mỗi thí sinh cần phải có chiến thuật ôn tập phù hợp với định hướng điểm của mình. Với mỗi thí sinh cần chỉ ra đề thi có 40 câu, các câu hỏi được chia làm 2 nhóm: nhóm bắt buộc phải làm đúng và nhóm chọn ngẫu nhiên, lời khuyên dành cho mỗi đối tượng thí sinh hướng mục tiêu ôn tập như sau:

Mục tiêu

Số lượng câu hỏi PHẢI trả lời đúng

Kế hoạch ôn tập và làm bài thi

5-6 điểm

14 – 19 câu

Tập trung 20 câu đầu tiên của đề, ôn tập cẩn thận kiến thức lý thuyết sách giáo khoa các phần kỳ I lớp 11, lý thuyết cơ chế di truyền và biến dị, di truyền học ứng dụng và phần sinh thái học. Tham khảo đề 2-3 năm trước.

6-7 điểm

19 – 24 câu

Tập trung 25 câu đầu tiên của đề, ôn tập giống của nhóm trên học tập cẩn thận hơn, luyện đề các câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng đối với các nội dung kiến thức đã xác định. Tham khảo đề 2-3 năm trước.

7-8 điểm

24 – 29 câu

Tập trung 30 câu đầu tiên trong đề, ôn tập cẩn thận các nội dung kiến thức trong sách giáo khoa lớp 11 học kỳ I và lớp 12. Đọc hiểu và dùng bút nhớ đánh dấu các từ khoá, số liệu quan trọng trong sách giáo khoa. Luyện tập các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng đối với các nội dung kiến thức.

8-9 điểm

29 – 34 câu

Từ câu 31 trở đi, câu hỏi có thể được trộn ngẫu nhiên và 4 câu vận dụng cao (khó nhất) có thể nằm ngẫu nhiên trong khoảng này. Thí sinh tập trung 30 câu đầu tiên cùng với 5 câu được đánh giá là "dễ thở hơn" trong nhóm 10 câu cuối cùng. Thí sinh muốn đạt mục tiêu 8 – 9 điểm cần ôn tập cẩn thận các kiến thức sách giáo khoa ở tất cả các nội dung đã mô tả, rèn luyện các câu hỏi bài tập ở mức vận dụng, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cẩn thận để tránh làm sai câu hỏi dễ một cách đáng tiếc. Luyện nhiều đề và tham khảo lại đề thi 2-3 năm trở lại đây để đánh giá năng lực của mình, bổ sung chỗ khuyết.

9-10 điểm

35 – 40 câu

Với thí sinh yêu cầu đạt mức điểm 9+, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức ở tất cả các nội dung trong phần nội dung đề đã mô tả, kỹ năng làm bài tập vận dụng, vận dụng cao phải nhuần nhuyễn, duy trì tâm lý phòng thi ổn định, kiểm soát được thời gian thi (phải mang đồng hồ theo). Có chiến thuật phân bổ thời gian hợp lý, đọc đề nhanh nhưng kỹ, đặc biệt tránh làm sai câu hỏi dễ, sa đà vào câu hỏi khó dẫn đến mất bình tĩnh, câu hỏi đếm phải đọc cẩn thận từng ý để lựa chọn.

Luyện nhiều đề của các Sở, đề thi một vài năm trước để đánh giá năng lực, bổ sung chỗ còn yếu, còn thiếu.

Những lưu ý trước và trong khi làm đề thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2024

Thầy Công cũng đưa ra lưu ý cho thí sinh, trong quá trình làm bài thi, các em thường mất điểm do một số nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên là "làm sai câu dễ". Nhiều khi các bạn giỏi, đọc lướt đề thiếu một từ ví dụ như "tự thụ" hay "hữu thụ" là đưa ra đáp án sai, do đó thí sinh cần phải đọc kỹ từng từ của đề. Thứ 2 là sửa đáp án, nhiều thí sinh làm xong bài, còn vài phút trước khi hết giờ lại soát lại và sửa câu trả lời trên phiếu, ở giai đoạn cuối bài thi rất căng thẳng và mệt mỏi nên việc sửa câu trả lời lúc này là thiếu sáng suốt… rất nhiều thí sinh đã mất điểm ở việc này và hối hận sau kỳ thi.

Cuối cùng, kỳ thi rất quan trọng nên phải chuẩn bị sức khoẻ tốt, ăn thức ăn quen thuộc, ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen dậy sớm để khi đi thi không bị ngái ngủ. Ôn tập và luyện đề ở mức độ cao đến trước ngày thi 2-3 ngày thì giảm bớt cường độ để cơ thể và trí óc hồi sức, chuẩn bị bước vào những ngày thi căng thẳng, sát ngày thi đừng thức khuya, làm quá nhiều đề khó gây áp lực cho ngày thi. 

Các em nhớ chuẩn bị một túi trong chứa đủ các vật dụng phục vụ kỳ thi theo quy định, mang đủ số bút cùng màu, chuẩn bị 1-2 máy tính hoặc 1 máy tính đã thay pin mới… và nếu có thể mang 1 vài viên kẹo ngậm sữa béo vỏ trong suốt để ngậm khi làm bài thi, não đang cần rất nhiều năng lượng hãy cho nó đường. Chúc các sĩ tử có sức khoẻ thật tốt, tâm lý vững vàng, kiến thức đầy đủ để bước vào kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất theo mục tiêu mà mình đề ra.

Thầy Nguyễn Thành Công hiện là giáo viên Sinh học tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm và Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Thầy có nhiều học sinh đạt Huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế, nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, có số lượng lớn học sinh đỗ các trường Y, Dược trên cả nước, nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về các thành tích bồi dưỡng Học sinh giỏi....