Dân Việt

Nhờ báo chí lên tiếng, cây cầu "trái phép" được tồn tại cho trẻ có đường đến trường

Thiên Long 21/06/2024 13:00 GMT+7
Do sống ở khu vực bốn bề là sông nước, muốn đi ra lộ phải có cầu, bất chấp cuộc sống khó khăn, đôi vợ chồng trẻ liều vay mượn tiền, xây cây cầu vừa đủ xe đạp chạy qua. Biết việc làm là vi phạm pháp luật nhưng họ không còn cách nào khác.

"Anh ơi tụi em nghèo lắm, ngôi nhà đang ở mưa không có chỗ ngủ nhưng chưa có tiền sửa, vậy mà vẫn phải đi vay tiền để xây cầu cho con qua lại đi học, đừng để cuộc đời tụi nó khổ như cha mẹ. Mấy anh lên tiếng giúp được không?". Anh Nguyễn Văn Thiện (42 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, Long An điện báo cho chúng tôi giọng nghẹn ngào cách ngày này 4 năm vẫn còn nhớ như in. 

Con kênh rộng, nước lớn sâu hơn 1m. Người lớn còn có thể vượt qua nhưng mấy đứa nhỏ ngày hai buổi phải lội xuống nước để đến trường là điều không thể tưởng tượng được.

Cây cầu bắc qua con kênh Bảo SInh ấp Vĩnh Thạnh, xã Thanh Vĩnh Đông vào nhà vợ chồng anh Thiện. Clip: Thiên Long

Vay tiền không sửa "chòi" mà chỉ làm cầu cho con đi

Anh Thiện cùng vợ là chị Bùi Bích Phượng (40 tuổi) với ba đứa con sống trong ngôi nhà vách tôn, mái lá dừa, trong ngoài chỉ toàn nền đất. Nơi ở như ốc đảo, xung quanh toàn ao mương, bờ ruộng ra lộ cũng đất người khác. 

Đường đi duy nhất có thể ra lộ là con rạch. Đoạn kênh này nằm ở vị trí không có xuồng ghe vào, là nút cuối của dòng nước. Người lớn muốn đi lại thì lội xuống nước ngang con kênh Bảo Sinh, còn con nhỏ thì anh Thiện đành bó tay. 

"Nhiều đêm suy nghĩ bàn với nhau, vợ chồng quyết định đi vay tiền chính sách xã hội khoảng 40 triệu đồng chỉ để xây cây cầu bắc qua kênh, có đường cho con đi học", anh Thiện chia sẻ.

Nhờ báo chí lên tiếng, cây cầu "trái phép" được tồn tại cho trẻ có đường đến trường- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Thiện cắm cọc cây cầu bắc ngang qua kênh bị tạm đình chỉ hoạt động. Ảnh: Thiên Long

Chiều tối là vợ chồng âm thầm tự đổ trụ xi măng. Sau đó đêm khuya canh vắng, người xuống kênh cắm cọc. Cả tháng "lén" thi công hình hài cây cầu gần sắp hoàn thành, anh chị cùng các con vui mừng không còn bao lâu sẽ chạy xe đạp dễ dàng từ nhà đến trường.

Đẩu tháng 2/2020, khung cầu nối liền hai bờ gần định hình. Chính quyền xã phát hiện lập biên bản đề nghị huyện phạt. Mấy ngày Tết cả nhà anh ăn ngủ không yên. Tiền vay chưa trả, cầu không được đi, giờ lo đóng phạt. 

Sáng 18/2/2020, UBND xã Phước Vĩnh Đông chỉ đạo 20 cán bộ ra tháo dỡ. Dân ấp Vĩnh Thạnh nghe tin có mặt rất đông, đề nghị xã tạm thời cho vợ chồng anh Thiện giữ cây cầu. 

Hai ngày sau, anh Thiện một lần nữa được mời lên UBND xã để nhận quyết do Chủ tịch UBND huyện ký phạt 40 triệu đồng về hành vi "xây cầu qua rạch trái phép".

Nhờ báo chí lên tiếng, cây cầu "trái phép" được tồn tại cho trẻ có đường đến trường- Ảnh 2.

Anh Thiện tranh thủ giờ chiều tối lót dan trên cây cầu cho con chạy xe đạp qua lại. Ảnh: Thiên Long

Cầm tờ giấy trên tay anh Thiện nói mà nước mắt cứ trào ra: "Căn nhà lá của tôi chưa được bi nhiêu đó, phạt tiền đâu đóng. Nghề nghiệp làm mướn, con cái chắc chết đói". Chị Phượng nghe chồng báo tin ra sau hè ngồi khóc, đêm đó hai vợ chồng thức trắng do buồn tủi cho số phận.

Chính quyền lắng nghe ý kiến báo chí cùng người dân

Khi chúng tôi đến tận nơi, điều đầu tiên đập vào mắt là khung cảnh đúng như phản ánh của anh Thiện: Cây cầu đang xây dang dở, với quyết định "đập" đã được ban hành trước đó.

Nhiều ngày lưu trú nơi vùng quê, chúng tôi mới cảm nhận cảm giác giữa "ốc đảo" khổ đến mức độ nào. Màn đêm buông xuống, nhìn bên ngoài chỉ một màu đen. Đám lá dừa dưới kênh xào xạc khi có luồn gió thổi qua, bên trong không tivi, không âm thanh... Cả khu vực chỉ vỏn vẹn hai căn nhà cách xa nhau chừng 200m. 

Tiếp xúc nhiều lão nông ai cũng nói, chú lên tiếng giúp phụ dân làng.

Nhờ báo chí lên tiếng, cây cầu "trái phép" được tồn tại cho trẻ có đường đến trường- Ảnh 3.

Vợ chồng anh Thiện cùng các con vui mừng đứng bên cây cầu do chính mình xây qua kênh Bảo SInh. Ảnh: Thiên Long

Trưa 24/2/2020, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc chỉ đạo UBND xã Phước Vĩnh Đông tổ chức lấy ý kiến dân tại địa phương. 

"Nếu đa số đồng thuận, địa phương sẽ giữ lại cây cầu để gia đình anh Thiện đi lại. Đồng thời anh Thiện phải cam kết nếu sau này có giải phóng mặt bằng thì không bồi thường. Về mức phạt sẽ cân nhắc để miễn/giảm vì hoàn cảnh anh Thiện thật sự khó khăn", lãnh đạo phường nói.

Nhờ báo chí lên tiếng, cây cầu "trái phép" được tồn tại cho trẻ có đường đến trường- Ảnh 4.

Cuộc sống còn khó khăn nhưng vợ chồng cùng con anh Thiện không lo việc qua lại con kênh. Ảnh: Thiên Long

Chạy xe máy gần 30 cây số từ UBND huyện Cần Giuộc xuống thẳng điểm họp dân ở ấp Vĩnh Thạnh, tới nơi cuộc họp bắt đầu diễn ra. Chúng tôi như mở cờ trong bụng khi hầu hết nông dân đều đề xuất cho cầu tồn tại. Giờ biểu quyết căng thẳng được ấn định.

Kết quả 100% nhất trí giữ cây cầu như hiện trạng.

Không ủng hộ việc tự ý làm sai, nhưng xét về điều kiện thực tế trường hợp của vợ chồng anh Thiện chỉ có mục đich duy nhất là có cầu để cho con trẻ được đi học. Và chúng tôi thấy cần lên tiếng.

Sau thời gian hơn 4 năm, chiều 19/6, chúng tôi mới có dịp quay về thăm lại vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống hạnh phúc của vợ chồng anh Thiện. Căn nhà không có nhiều thay đổi chỉ có nền xi măng thay nền đất bên trong. Con gái lớn của họ đã vào đại học năm thứ 3. 

Đứng trên cây cầu đã từng mang "án tử" khi xưa, gió thổi từ hai hàng dừa ven bờ xào xạc. Nhìn xuống dòng nước mát trong xanh, chúng tôi cảm giác hồi hộp đan xen chút vui mừng vì đã góp tiếng nói phần nào giúp ích cho họ.