Hội nghị trong khuôn khổ Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".
Thông qua hội nghị, báo cáo viên của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã truyền đạt và trao đổi về thực trạng xử lý chất thải nông nghiệp hiện nay như: Thói quen đốt rác thải, rơm rạ sau thu hoạch, rác thải hữu cơ chưa được thu gom, phân loại tại nguồn, việc xử lý rác thải hữu cơ chưa thân thiện với môi trường…
Trong khi đó rác thải hữu cơ chính là tài nguyên, nếu người nông dân biết cách tận dụng sẽ tạo thêm thu nhập từ việc cải thiện năng suất, sản lượng cây trồng. Bên cạnh đó, học viên được chia sẻ, trao đổi về hiệu quả của các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường phù hợp điều kiện sản xuất nông nghiệp của từng nhóm hộ.
Được biết, đây là những phương pháp đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng, chi phí thấp khi thực hiện. Ngoài ra còn giúp hạn chế đến mức thấp nhất phát thải khí nhà kính CO2, CH4, N2O...
Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", tại tỉnh Ninh Bình được thực hiện ở 9 xã, thị trấn thuộc 3 đơn vị cấp huyện như: Huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh.
Dự án đã đào tạo 30 giảng viên nguồn và tổ chức được 32 lớp tập huấn cho gần 900 hội viên nông dân về các phương pháp xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường. Sau khi tập huấn, dự án đã hỗ trợ xây dựng 540 mô hình áp dụng các kỹ thuật của dự án, thành lập 9 tổ nhóm tuyên truyền, 9 tổ thu gom rác thải tại các địa phương tham gia dự án.
Riêng tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) hiện đang triển khai trên 200 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Việc triển khai thực hiện dự án tại tỉnh Ninh Bình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Việc áp dụng các kỹ thuật của dự án, người nông dân biết cách phân loại xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường, giảm tình trạng người nông dân đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Quá đó từng bước giải quyết tình trạng lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi…