Ngày 27/6, chia sẻ với PV Dân Việt về đề xuất cấm bán thuốc kê đơn qua mạng trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia nhi khoa, – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, điều này là không đồng bộ với quy định hiện nay.
Cụ thể, chiều 26/6, các Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, không cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng là một trong những điểm được dư luận chú ý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật Dược sửa đổi quy định: Chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử (bán thuốc qua mạng – PV).
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Dược cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
Liên quan đến vấn đề quảng cáo dược phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: thuốc kê đơn không được quảng cáo; thuốc không kê đơn thì được quảng cáo và phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó.
"Nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp phép, bảo đảm theo quy định chứ không phải muốn đưa nội dung gì lên cũng được", bà Lan nhấn mạnh.
Như vậy, theo dự thảo Luật Dược sửa đổi, chỉ thuốc không kê đơn là được bán qua mạng và cũng do các hiệu thuốc truyền thống đủ điều kiện kinh doanh. Thuốc kê đơn phải bán trực tiếp, có đơn thuốc của bác sĩ. Người bán thuốc trên mạng phải được cấp phép đầy đủ, có người chịu trách nhiệm chuyên môn.
"Không ít bệnh nhân đã bị bệnh nặng hơn khi tự ý mua thuốc, dùng thuốc qua mạng xã hội. Nhiều người cho biết họ được các "bác sĩ", "dược sĩ" tư vấn qua mạng nên đã mua và sử dụng.
Có thể thấy, thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, nếu bán qua mạng có thể nhiều rủi ro như không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc, thuốc kém chất lượng, thuốc bị quảng cáo "thổi phồng" công dụng..."
PGS-TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Phân tích với PV Dân Việt về điều này, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, để người dân vùng sâu vùng xa được tiếp cận với trình độ y tế tiên tiến, "kéo gần" y tế vùng sâu và thành phố, Bộ Y tế đã phát triển và khuyến khích khám bệnh từ xa, khám bệnh online. Nhất là từ khi có dịch Covid-19, khám chữa bệnh online càng phát triển và đã chứng minh được hiệu quả.
"Đã khám bệnh online phải có kê đơn online, mà có kê đơn online sẽ cần có bán thuốc online, nhất là với những loại thuốc đặc biệt, khan hiếm, chỉ bán ở thành phố. Lúc đó, chẳng nhẽ bắt người bệnh chạy hàng trăm km để đi mua thuốc trực tiếp", PGS Dũng nói.
Theo PGS Dũng, hiện nay, bất cứ mặt hàng nào cũng có thể mua qua mạng, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thuốc chữa bệnh cũng không nên nằm ngoài xu thế đó.
"Ví dụ một người đang trông con ốm một mình, vào lúc nửa đêm cần thuốc, nếu có thể gọi điện, gửi đơn rồi nhờ cửa hàng thuốc chuyển thuốc đến thì sẽ thuận tiện biết bao. Lúc đó, nếu bắt người ta đợi sáng mai đi mua thuốc hay bỏ con ở nhà đi mua thuốc vì không bán thuốc kê đơn online, có thể lại gây khó khăn, nguy hiểm cho đứa trẻ".
Về việc bảo vệ sức khỏe của người dân, ngăn chặn bán thuốc kém chất lượng và việc người dân tự ý mua thuốc có hại cho sức khỏe, PGS Dũng khẳng định, cần phải làm chặt chẽ quy định về bán thuốc kê đơn.
"Chỉ nói riêng thuốc kháng sinh, từ năm 2005, Luật Dược đã có quy định cấm bán thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc. Nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện nghiêm được điều này.
Hiện nay, mọi người có thể tùy tiện mua thuốc kháng sinh ở nhiều cửa hàng thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Điều này vô cùng tai hại đến sức khỏe của người dân, dẫn đến bệnh không hết, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng.
Tại sao chúng ta không làm tốt điều này trước đi? Nếu chúng ta chỉ cần làm tốt việc cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc hiện nay ở các cửa hàng bán thuốc đã là điều rất tốt rồi.
Nếu như tính đến các rủi ro thì cần phải làm nghiêm quy định bán thuốc kê đơn, quy định vận chuyển thuốc đúng để đảm bảo chất lượng thuốc.
Nếu các cửa hàng bán thuốc làm sai thì phải phạt nặng, thu hồi giấy phép… Nếu cá nhân không có giấy phép mà bán thuốc cũng phải ngăn chặn, phạt nghiêm", PGS Dũng nói.
PGS Dũng buồn rầu cho biết, hiện nay, thi thoảng ông cũng bắt gặp hình ảnh của mình "bị mượn" bán thuốc mà cũng không làm cách nào ngăn chặn được thì việc ngăn chặn các kênh bán thuốc, quảng cáo thuốc qua mạng có lẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Theo ông Dũng, nếu lo ngại bán thuốc qua mạng dẫn đến quảng cáo thổi phồng thì lại phải quản lý chặt theo Luật Quảng cáo...
"Thực ra quy định hiện tại đầy đủ rồi, chúng ta chỉ cần làm nghiêm là được. Nếu như có thêm quy định mà việc thực hiện không nghiêm, kiểm soát không hết thì vẫn chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" thôi.
Hơn nữa, người ta không mua online mà mua thuốc "xách tay", thuốc trôi nổi qua "truyền miệng", "truyền tay" thì cũng vẫn là dùng thuốc kém chất lượng, dùng thuốc không đúng, dùng thuốc không kê đơn.
Do đó, song song với việc làm nghiêm bán thuốc kê đơn, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao trình độ cho người dân để tự bảo vệ mình, không mua thuốc trôi nổi.
Đến lúc người dân có ý thức mua thuốc có kê đơn, mua thuốc ở cửa hàng uy tín, có giấy phép thì sẽ ngăn chặn tốt việc bán thuốc kém chất lượng qua mạng…", PGS Dũng phân tích.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này.
Theo ông Cường, thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Để quản lý việc bán thuốc qua mạng cần liên thông kết nối các hệ thống từ người kê đơn đến người bán thuốc; đồng thời có chế tài phạt nặng người bán thuốc trong danh mục kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ qua hệ thống phần mềm.