Kế hoạch số 138/KH-UBND ban hành ngày 18/6/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 01 hợp tác xã nông nghiệp do hội viên, nông dân tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho hội viên, nông dân, ít nhất 07 Tổ hợp tác do hội viên, nông dân tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho hội viên, nông dân; Tuyên truyền vận động thu hút ít nhất 4.462 Hội viên, nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Hỗ trợ ít nhất 10% Chi Hội Nông dân nghề nghiệp; Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp. Có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể; ít nhất 70% cán bộ chủ chốt Hợp tác xã nông nghiệp đươc tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.
Đến năm 2030, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 05 Hợp tác xã do hội viên, nông dân tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho hội viên, nông dân, ít nhất 35 Tổ hợp tác do hội viên, nông dân tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho hội viên, nông dân. Tuyên truyền vận động thu hút 22.000 Hội viên, nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Hỗ trợ ít nhất 15% Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành Hợp tác xã. Có ít nhất 45% Hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ, thành lập tham gia liên kết sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao cho Hội Nông dân tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch, lập dự toán kính phí triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg gửi cho các đơn vị có liên quan để bố trí kinh phí ngân sách triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND thực hiện đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến hết năm 2025 là tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 60 tổ hợp tác, 20 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp; thu hút thêm 5% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp; hỗ trợ ít nhất 10% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp; có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Huy động hệ thống chính trị hỗ trợ Hội Nông dân phát triển kinh tế tập thể
UBND TP.Cần Thơ cũng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" với nhiều nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm tổ chức thực hiện đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Kế hoạch của UBND TP.Cần Thơ chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Thời gian thực hiện 2 năm, từ năm 2024 đến năm 2025; Giai đoạn 2: Thời gian thực hiện 5 năm, từ năm 2026 đến năm 2030.
Để kế hoạch thực hiện Đề án đạt hiệu quả, UBND thành phố đề nghị Hội Nông dân thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện,… căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn đơn vị cấp dưới xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện theo hàng năm và theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và đặc thù của từng địa phương; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên tích cực tham gia.
Bên cạnh Cần Thơ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản đề nghị Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" theo đúng quy định.
Trong khi đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã tổ chức lấy ý kiến lần 3. Sau đó, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
Được biết, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm đến công tác phối hợp thành lập tổ hợp tác, HTX có thành viên là hội viên, nông dân. Tính đến hết quý 1/2024, toàn tỉnh có 226 HTX, trong đó có 192 HTX nông nghiệp với gần 10.000 thành viên, đa số là nông dân tham gia HTX.
Trong Chương trình công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bạc Liêu hằng năm đều có nội dung tham gia xây dựng KTTT. Từ đó, các cấp Hội thường xuyên triển khai và đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT và các văn bản có liên quan đến cán bộ Hội, hội viên, nông dân, các tổ chức KTTT.
Song song đó, Ban Thường vụ HND tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ, đang tổ chức lấy ý kiến lần 3. Sau đó, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một thuận lợi có tính bước ngoặt đối với hoạt động tham gia phát triển KTTT của HND là Quyết định 182, ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "HND Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030". Theo Đề án, HND không chỉ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, mà còn thu hút, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT. Đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để HND tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho hội viên nông dân là thành viên tổ chức KTTT trong nông nghiệp.
Từ những điều kiện thuận lợi, Ban Thường vụ HND tỉnh đang đẩy mạnh công tác phát triển THT, HTX. Theo đó, HND tỉnh đã ký kết triển khai Chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX, Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngay sau ký kết, HND cấp huyện tiến hành khảo sát, đăng ký nhu cầu đào tạo, tập huấn, hỗ trợ củng cố và thành lập mới THT, HTX năm 2024. Kết quả sơ bộ, các địa phương cần mở 20 lớp huấn luyện, cho ban quản trị, thành viên HTX, mỗi lớp từ 20 - 25 học viên.