Trong chương trình "Ngày xửa ngày xưa" số 35 với tên "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần" (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn, giám đốc sản xuất: Huỳnh Anh Tuấn), khán giả lại một lần nữa được chiêm ngưỡng nàng công chúa Mây do NSƯT Mỹ Duyên thể hiện.
Mãi là "công chúa"
Vở kịch thiếu nhi "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần" ra mắt buổi diễn đầu tiên tối 30-4 tại Nhà hát Bến Thành. Từ đó đến nay, vở kịch này được công diễn thường xuyên, thu hút đông đảo khán giả yêu thích loạt chương trình "Ngày xửa ngày xưa" của Nhà hát Kịch IDECAF. Đây là phần 2 của "Ngày xửa ngày xưa" số 33 với tên "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá". NSƯT Mỹ Duyên hóa thân thành nàng công chúa Mây duyên dáng bên cạnh Sinbad do Đình Toàn thủ diễn. Vở kịch còn quy tụ nhiều nghệ sĩ khác: Hồng Ánh, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Hòa Hiệp, Tuyền Mập..., đưa khán giả đến xứ sở Ai Cập huyền ảo, lễ hội sông Nile kỳ bí.
NSƯT Mỹ Duyên đã vô số lần hóa thân công chúa trên sân khấu loạt "Ngày xửa ngày xưa". Đôi lúc, cô là nàng Lọ Lem đầy số phận trong "Cô bé Lọ Lem" hoặc là người đẹp trong "Người đẹp và quái vật", công chúa Mê Ly trong "Nàng tiên cá", công chúa Ba Tun Mu Dua trong "Aladin và đủ thứ thần", công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa trong "Sơn Tinh Thủy Tinh", công chúa Takachi trong "Chuyện thần tiên xứ Phù Tang", công chúa Tiểu Phụng trong "Những đứa con của rồng"... Ở "Ngày xửa ngày xưa" số 34 tên "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai", NSƯT Mỹ Duyên cũng là công chúa Ruby.
Có thể nói, với người trong giới, công chúa đã trở thành "thương hiệu" trong sự nghiệp sân khấu kịch của NSƯT Mỹ Duyên và nhà sản xuất an tâm khi giao vai diễn này cho bà. Thậm chí, bà còn được người hâm mộ ưu ái gọi là nàng công chúa không tuổi, mãi mãi là công chúa trong lòng họ. Những điệu múa điêu luyện, xinh đẹp, tạo hình duyên dáng, dễ thương, công chúa Mây do NSƯT Mỹ Duyên vẫn đủ sức hút với khán giả từ người lớn đến trẻ em.
"Mỹ Duyên là mẫu nghệ sĩ lao động nhiệt tình, nghiêm túc, luôn tìm cách làm mới mình trong hóa thân nhân vật. Với những vai diễn có vận dụng nghệ thuật múa ballet, khiêu vũ Mỹ Duyên như cá gặp nước, tung tẩy và tạo sức hấp dẫn cho vai diễn" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Khán giả Cao Ngạn, quận Tân Bình - TP HCM, cho biết đã xem NSƯT Mỹ Duyên diễn vai công chúa từ lúc nhỏ và đến giờ vẫn yêu thích. Dù NSƯT Mỹ Duyên không còn trẻ theo thời gian nhưng kinh nghiệm diễn xuất, khả năng múa, vẻ duyên dáng, trong trẻo vẫn làm toát lên được hình ảnh nàng công chúa trong lòng khán giả.
Đam mê với nghề
Với NSƯT Mỹ Duyên, sân khấu là thánh đường đầy đam mê, nhiệt huyết. Người nghệ sĩ trên sân khấu phải nỗ lực diễn xuất để khán giả tin rằng trên sân khấu là những nhân vật có thật, truyền tải thông điệp, các bài học cho khán giả "nhí" một cách nhẹ nhàng. "Tôi học múa ballet từ nhỏ nên phù hợp với các vai diễn công chúa, vì vậy đã ghi được dấu ấn trong lòng khán giả nhí" - NSƯT Mỹ Duyên từng trải lòng với truyền thông.
NSƯT Mỹ Duyên còn là một gương mặt thành công ở lĩnh vực phim điện ảnh đến truyền hình. Đạo diễn Lê Hoàng thấy được tài năng múa, vẻ đẹp trong trẻo của NSƯT Mỹ Duyên và mời bà vào vai nữ ca sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) trong phim "Vị đắng tình yêu 2". Đây là phim điện ảnh đầu tiên của bà, sau đó bà tham gia tiếp nhiều phim: "Trái tim chó sói", "Tình nhỏ làm sao quên", "Lương tâm bé bỏng", "Ngõ đàn bà", "Lưỡi dao", "Chiếc chìa khóa vàng", "Lời thề"...
Với ngoại hình duyên dáng, gương mặt trong sáng, NSƯT Mỹ Duyên hay được giao các vai chính diện, tiểu thư, hiền lành. Thế nên, vai diễn trong phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng đã tạo bước đột phá cho bà trong sự nghiệp diễn viên điện ảnh. Dù phim có nhiều ý kiến trái chiều nhưng vai diễn cô gái bán hoa tên Hoa đã là một bước ngoặt với NSƯT Mỹ Duyên. Bà tiếp tục đóng phim "Lọ Lem hè phố", "Nữ tướng cướp" và nhiều phim truyền hình: "Đồng tiền quỷ ám", "Muôn kiểu làm dâu", "Bánh mì Ông Màu"…
Dù bước sang tuổi trung niên, NSƯT Mỹ Duyên vẫn miệt mài với trường quay và sân khấu, tiếp tục tạo ấn tượng. "Tôi thấy Mỹ Duyên sống bình thản, không tham vọng, làm nghề như cuộc sống, như hơi thở. Cô không mong mình sẽ thành ngôi sao lớn, mà chỉ bình thản với cuộc đời, với nghề đã chọn" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
NSƯT Mỹ Duyên tên thật Lê Huỳnh Mỹ Duyên, sinh năm 1972 tại TP HCM trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bà từ nhỏ đã được định hướng trở thành diễn viên múa ballet giống như mẹ. Khi 10 tuổi, bà trúng tuyển vào Viện Hàn lâm Vaganova, TP Leningrad của Liên Xô cũ (hiện nay Leningrad đã đổi tên thành Saint-Petersburg). Sau 8 năm học bà về Việt Nam tham gia biểu diễn, múa minh họa trước khi bén duyên với điện ảnh, sân khấu.
Bà gặt hái được nhiều giải thưởng như Giải Mai Vàng năm 1995 với vai Nguyệt trong phim "Lưỡi dao" của đạo diễn Lê Hoàng và Giải Mai Vàng năm 1996 với vai Hòa Bình trong phim "Lời thề" cùng Hà trong phim "Xóm nước đen". Giải Cánh Diều vàng 2004 hạng mục "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" với vai diễn phim "Nữ tướng cướp"...
Theo Minh Khuê (Báo Người Lao động)