Ngày 1/7, luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, công an toàn quốc triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Từ 7h cùng ngày, Công an TP.Hà Nội và công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đồng loạt tổ chức lễ phát động triển khai luật Căn cước năm 2023 và nhận hồ sơ cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân.
Tại điểm tiếp nhận hồ sơ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP. Hà Nội tại địa chỉ số 44 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội), lực lượng chức năng đã ghi nhận khá đông người đã xếp hàng đợi làm thủ tục đề nghị cấp căn cước, trong đó có nhiều công dân dưới 14 tuổi, là đối tượng mới được quy định tại luật Căn cước.
Công an TP. Hà Nội cho biết ngoài điểm cấp căn cước ở trụ sở PC06, ở công an các quận, huyện, thị xã cũng có khá đông người đến làm hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước.
Bên cạnh đó, Công an TP. Hà Nội cũng triển khai điểm thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước lưu động cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng PC06 Công an TP.Hà Nội, cho biết luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7 là dự án luật thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Cũng trong sáng nay, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng đã trực tiếp đến kiểm tra công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, tại số 44 Phạm Ngọc Thạch.
Đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho hay, luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 1/7. Luật có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đại diện C06, luật Căn cước có 10 điểm mới, trong đó những điểm mới quan trọng của luật là việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7.
Đại diện C06 cho hay, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ căn cước công dân. Đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước.