Là đô thị loại 1 như Hà Nội, TPHCM có 2 vùng lương tối thiểu vùng là vùng I và vùng II.
Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, tiền lương tối thiểu là mức tiền lương được Chính phủ ban hành theo từng năm. Đây là căn cứ để chủ sử dụng và lao động thương thảo tiền lương, trong đó doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng và phải đảm bảo trả lương cao hơn ít nhất 7% với các lao động có trình độ kỹ thuật, và thâm niên nghiệp vụ.
Theo quy định mức lương tối thiểu vùng 2024 TPHCM hiện nay đang được áp dụng dựa trên 2 vùng kinh tế. Cụ thể:
Vùng I: Lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng, lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng. Áp dụng đối với: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận, Gò Vấp; Thành phố Thủ Đức; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Vùng II: Lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng, lương tối thiểu theo giờ là 20.000 đồng. Áp dụng đối với: Huyện Cần Giờ.
Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng; mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%. Vì thế lương tối thiểu vùng 2024 tại TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng như sau:
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I là: 4.960.000 đồng/tháng, 23.800 đồng/giờ;
Mức lương tối thiểu vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, 21.200 đồng/giờ.
Theo quy định, khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng tiền lương tối thiểu vùng. Trường hợp doanh nghiệp không tăng lương sẽ bị xử phạt theo quy định.
Khoản 3, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nợ lương, chậm lương, chậm tăng lương cho người lao động đều sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt từ 20 triệu đồng/lần đến 75 triệu đồng/lượt tùy thuộc vào hành vi vi phạm và số người lao động bị vi phạm.
Trường hợp doanh nghiệp trả lương cho lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt từ 40- 150 triệu đồng/lượt.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại vào thời điểm xử phạt.
Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức thì áp dụng mức phạt sẽ gấp đôi.
Khảo sát của PV Báo Dân Việt cho thấy, hiện nay đa phần các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng được nhà nước quy định. Mức lương dao động từ 8-10 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp, tăng cao. Mức tiền lương này thậm chí còn cao hơn cả mức lương trung bình tại Hà Nội và các tỉnh thành phố, đô thị loại 1.