Lên ngôi năm 206 TCN, Hán Cao Tổ, húy Lưu Bang - vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc - đã sớm hiểu rằng nắm quyền thì dễ, cai trị và đưa đất nước đi đúng hướng mới là việc khó.
Nhà Hán mới thành lập khi đó phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội to lớn.
Chiến tranh kéo dài nhiều năm khiến kinh tế suy sụp, mọi ngành nghề đều suy thoái, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Việc dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng khiến Lưu Bang ngày đêm lo lắng.
Ông hiểu rằng muốn bảo đảm hòa bình, thịnh vượng cho đất nước và nhân dân thì phải tìm mọi cách vực dậy kinh tế xã hội. Vì vậy, ông đã mạnh mẽ thúc đẩy các chính sách vốn đang lỏng lẻo, khuyến khích sản xuất nông nghiệp và giảm thuế. Trong một thời gian, người dân dần ổn định hơn, kinh tế bắt đầu dần hồi phục.
Tuy nhiên, nhà Hán lúc này lại đối mặt với khó khăn mới: Thiếu dân số nghiêm trọng.
Chiến tranh liên miên khiến dân số giảm sâu. Tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh tổng thể của đất nước. Lưu Bang như ngồi trên đống lửa.
Hình ảnh Lưu Bang trên phim ảnh.
Sau nhiều lần bàn bạc với quần thần, cuối cùng Hán Cao Tổ cũng đưa ra chính sách khuyến khích tăng dân số.
Lưu Bang ra lệnh ân xá và tuyên bố ân xá trên toàn quốc cho các tù nhân đào tẩu. Đồng thời, những thường dân bị bán làm nô lệ do chiến tranh được trả tự do. Song song, vị hoàng đế này còn đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khích sinh con. Một số tiền và thức ăn nhất định sẽ được thưởng cho mỗi gia đình có con mới. Lưu Bang cũng hứa rằng chỉ cần có thêm con, gia đình đó sẽ được miễn thuế.
Mặc dù tỷ lệ sinh trong nước đã được cải thiện nhưng dân số nói chung vẫn tiếp tục có xu hướng giảm. Lưu Bang nhận ra tình hình không hề cải thiện chút nào, ông lại rơi vào lo lắng và bế tắc.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Lưu Bang xác định mấu chốt của vấn đề là phụ nữ không muốn sinh con sớm. Để ép phụ nữ lấy chồng sinh con nhanh hơn, Lưu Bang đã xây dựng chính sách "đánh thuế đặc biệt với phụ nữ chưa kết hôn" khiến cả nước chấn động.
Cụ thể, phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi từ 15 đến 30 phải nộp thuế gấp 5 lần mỗi năm. Những người vi phạm sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị bỏ tù.
Phụ nữ dưới thời nhà Hán, dù 15 hay 30 tuổi mà chưa kết hôn đều phải nộp thuế cao gấp 5 lần. Ảnh minh họa.
Chính sách này có tác dụng ngay lập tức. Phụ nữ thời đó buộc phải đẩy nhanh tốc độ kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế này cũng khiến dân chúng "dậy sóng". Hai phe với thái độ hoàn toàn khác nhau đã hình thành rõ ràng.
Với phụ nữ, chính sách thuế mới này khiến họ tức giận, phẫn nộ vì cho rằng bị ép kết hôn và có con sớm. Họ cho rằng, chính sách này tước đi quyền tự do lựa chọn chồng và sinh con.
Đối với nam giới, chính sách của hoàng đế khiến họ vui mừng, sung sướng. Bởi lẽ, họ sẽ không lo "ế vợ". Không lo việc bị chê bai nếu điều kiện gia đình và bản thân không tốt.
Bất kể khen hay chê, chính sách thuế đặc biệt dành cho phụ nữ chưa kết hôn vẫn được ấn định. Đúng như dự đoán, nó đã có tác dụng như mong đợi, một số lượng lớn phụ nữ chưa kết hôn buộc phải lập gia đình và sinh con, dân số tăng nhanh.
Về sau, vào thời Hán Vũ Đế (hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc), dân số cả nước đã vượt quá 50 triệu người. Mục tiêu tăng trưởng dân số của Lưu Bang cuối cùng đã đạt được.
Trong ngắn hạn, điều này đã dẫn đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Dân số đông mang lại nguồn lao động dồi dào, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất và sức mạnh quốc gia. Với sức mạnh đó, triều Hán đã đánh bại quân Hung năm 127 TCN.
Ở khía cạnh này, đóng góp của Lưu Bang cho lợi ích quốc gia là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi đã đặt ra sau chính sách này của Lưu Bang. Một trong số đó là, tại sao hoàng đế lại ban hành thuế cho phụ nữ chưa kết hôn, mà không phải là thuế cho nam giới chưa kết hôn?
Có thể vào thời điểm đó, địa vị và tiếng nói của phụ nữa vẫn còn thấp. Do đó, dù có phản đối, phụ nữ thời nhà Hán vẫn phải chấp nhận chính sách này.