Ngày 3/7, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên án phúc thẩm vụ "Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán" giữa nguyên đơn Trần Thị Chúc (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) và Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc.
Theo án sơ thẩm, năm 2022, bà Chúc bị hai người tự xưng cán bộ giao thông và công an, gọi điện thoại nói bà gây tai nạn giao thông ở Đà Nẵng lại liên quan mua bán ma túy. Những kẻ này yêu cầu bà mở tài khoản tại Techcombank và Vietcombank, chuyển vào tổng hơn 26,5 tỷ đồng, đồng thời phải cài "phần mềm bảo mật". Cảnh sát điều tra cho thấy, phần mềm này có thể can thiệp, chuyển tiếp các thông tin như danh bạ, tin nhắn...
Ngày 22/4/2022, bà Chúc đến Vietcombank Kinh Bắc, mở tài khoản rồi chuyển vào gần 12 tỷ đồng nhưng không thấy tin nhắn biến động số dư. Còn tại Techcombank, bà cũng mở tài khoản, chuyển vào hơn 14,6 tỷ đồng. Hai hôm sau, bà ra kiểm tra và phát hiện tiền của mình tại hai nhà băng đều "không cánh mà bay".
Việc bà Chúc bị lừa được công an điều tra và sau đó đình chỉ. Bà kiện Vietcombank, Techcombank, yêu cầu bồi thường toàn bộ 26,5 tỷ đồng bởi tiền được chuyển đi khi bà không biết, không đồng ý.
Trong vụ án với Vietcombank, tòa án Từ Sơn từng xử sơ thẩm, cho rằng lỗi trực tiếp mất tiền thuộc về bà Chúc, nhưng nhân viên ngân hàng có lỗi khi không hướng dẫn bà tiếp cận văn bản trước và trong quá trình ký hợp đồng mở tài khoản. Tòa sơ thẩm do vậy buộc Vietcombank bồi thường cho bà Chúc 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, cả bà Chúc và bị đơn là Vietcombank đều không đồng ý nên kháng cáo. Viện KSND TP.Từ Sơn có kháng nghị, cho rằng buộc ngân hàng bồi thường là không đúng.
Tại tòa phúc thẩm tối 2/7, nguyên đơn Nguyễn Thị Chúc giữ yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa buộc Vietcombank bồi thường. Lý do, nhân viên ngân hàng không hướng dẫn, tư vấn cho bà các thông tin bảo mật và khi bà bị mất tiền, nhà băng không có biện pháp báo cáo để Ngân hàng Nhà nước kịp thời ngăn chặn kẻ lừa đảo tẩu tán số tiền chiếm đoạt.
Tuy nhiên, do bà Chúc không đảm bảo sức khỏe nên tòa tạm nghỉ lúc 20h. Bà được người thân dìu về và sáng 3/7 có đơn xin hoãn nhưng không được tòa chấp nhận.
Phiên xử tiếp tục diễn ra và luật sư của Vietcombank tranh luận, ngân hàng đã niêm yết mẫu hợp đồng chung về mở tài khoản và các quy định sử dụng tài khoản tại sảnh chính, cửa ra vào, video trình chiếu cũng thể hiện rõ.
Nhân viên ngân hàng cũng cảnh báo, tư vấn đầy đủ; chữ ký của bà Chúc trong hợp đồng thể hiện bà được Vietcombank cung cấp đầy đủ thông tin, đã đọc, hiểu rõ, đồng ý và cam kết thực hiện. "Vì lý do nào đó mà bà Chúc không đọc nhưng vẫn ký, phần lỗi của bà Chúc", luật sư nói.
Thêm nữa, tại án sơ thẩm, bà Chúc có lời khai sau khi mất tiền đã "hoảng loạn quá, không đưa ra yêu cầu gì với ngân hàng". Do vậy, việc bà Chúc cáo buộc Vietcombank không phản ứng kịp thời, không có biện pháp giảm thiệt hại là không đúng bởi bà không yêu cầu, ngân hàng không thể thực hiện.
Luật sư của bà Chúc khi tranh luận dẫn mốc thời gian trên video của ngân hàng, cho thấy toàn bộ quá trình tư vấn thủ tục mở tài khoản "chỉ khoảng 4 phút" nên: "Lúc nào là lúc nhân viên tư vấn quy định và khuyến cáo bảo mật cho khách. Trong khi riêng 4 điều khoản trên website Vietcombank, tôi in ra đã được mấy chục trang".
Theo luật sư của nguyên đơn, nhân viên quầy của Vietcombank làm động tác "chỉ tay vào giấy" cho bà Chúc ký mà không tư vấn đầy đủ.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm đã xác định đây là vụ kiện "Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán". Trong quan hệ này, bà Chúc làm đủ trách nhiệm khi đến mở tài khoản, cung cấp thông tin, giấy tờ tùy thân…; Vietcombank là bên cung ứng dịch vụ, có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tư vấn nhưng không thực hiện nên có lỗi.
Trường hợp bà Chúc có lỗi khi tạo sơ hở cho kẻ gian, cài đặt phần mềm độc hại cũng nằm ngoài phạm vi "Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán" mà tòa đang xét xử. Chưa kể vụ việc kẻ gian lừa đảo bà Chúc đang bị đình chỉ.
Sau nghị án, tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Vietcombank và kháng nghị của Viện kiểm sát. Lý do, bà Chúc nghe theo hai kẻ không quen biết, mở tài khoản, gửi tiền, cài phần mềm khiến bị lộ thông tin dẫn tới mất tiền. Đây là lỗi của bà, không phải của Vietcombank.
Trong chiều 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh cũng bác yêu cầu khởi kiện của bà Chúc với bị đơn là Techcombank. Ngân hàng này không phải bồi thường cho bà số tiền 14,6 tỷ đồng kẻ gian đã lén chuyển đi dù bà Chúc không biết, không đồng ý.
Như vậy, bà Chúc từ người được tuyên nhận bồi thường 1,5 tỷ đồng (Vietcombank 700 triệu đồng và Techcombank 800 triệu đồng) đã "trắng tay" khi không được bồi thường sau phán quyết của cấp phúc thẩm và còn phải chịu thêm khoảng 200 triệu đồng án phí.