Thác Gia Long còn có tên gọi là thác Dray Sáp thượng, là con thác nằm ở thượng nguồn cụm thác Dray Sáp, Dray Nur và Gia Long trên dòng sông Sêrêpok, nằm giữa ranh giới huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, và huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Thác Gia Long ẩn mình trong những cánh rừng xanh ngắt, không hùng vĩ như dòng thác Dray Sáp hay thác Dray Nur, thác Gia Long với dòng chảy nhẹ nhàng nơi thượng nguồn rồi bỗng trầm mình xuống những ghềnh đá bên dưới tung bọt trắng xóa, tạo nên một tuyệt phẩm như tranh vẽ của tự nhiên.
Dưới chân dòng thác là hồ nước trong veo, xanh thẳm, êm đềm, rải rác những ghềnh đá với nhiều hình dáng khác nhau, xung quanh dòng thác được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, tạo nên một nét đẹp hoang sơ, huyền bí cho dòng thác.
Đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào xác định tên gọi thác "Gia Long" bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Theo một số người dân khu vực gần thác cho biết, có rất nhiều giả thuyết về tên gọi thác Gia Long, nhưng vẫn chưa rõ đâu mới là cách lý giải về tên gọi chính xác.
Có thuyết kể rằng đây từng là nơi được vua Gia Long trú ngụ khi chạy trốn khỏi quân nhà Tây Sơn, bắt gặp dòng thác với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, ông đã quyết định dùng tên mình để đặt tên cho dòng thác này.
Tuy nhiên, có thuyết khác lại cho rằng tên gọi thác "Gia Long" là do vua Bảo Đại đặt khi đến đây du ngoạn, cưỡi voi, săn bắn. Đây được xem là lý giải thuyết phục cho tên gọi của thác Gia Long, vì nó gắn liền với giai đoạn lịch sử vua Bảo Đại xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, biệt thự ở khu vực Tây Nguyên và đặt tên các địa điểm tham quan theo tên của các vị vua.
Ngoài ra, thác Gia Long còn gắn liền với sự kiện lịch sử những năm 1930-1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đến đây lao dịch, khổ sai để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo qua sông. Đến nay, chúng ta vẫn còn thấy dấu tích hai mố cầu mà thực dân Pháp đã cho xây dựng.
Năm 1991, thác Gia Long được công nhận là danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 01/1991/QĐ- BVHTT, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).