Dân Việt

Tin theo bói bài Tarot, cô gái phải nhập viện điều trị tâm thần vì không dám làm 1 việc

Gia Khiêm 04/07/2024 10:31 GMT+7
Với thông điệp mang tính chữa lành, "thanh tẩy", bói bài Tarot ngày càng phát triển, trở thành món "điểm tâm tinh thần" của nhiều người trẻ. Cũng chính từ việc này, cô gái phải nhập viện điều trị tâm thần vì không dám làm 1 việc sau khi bói bài Tarot.

Bói bài Tarot hiện nay đang là xu hướng khá thịnh hành ở giới trẻ. Đây là một hình thức bói toán dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng hơn 10 năm nhưng đã phát triển rất nhanh, trở thành một xu hướng mạnh mẽ, song hành cùng những hình thức bói toán cổ xưa như gieo quẻ, xem mệnh, tử vi... Với nội dung đơn giản, cách xem trải bài và chơi dễ dàng, dường như ai cũng có thể tham gia xem bài Tarot hoặc trở thành một "Tarot reader".

Nhờ vào giá thành rẻ, cùng với thông điệp ý nghĩa mang tính chữa lành và "thanh tẩy", cộng đồng những người xem trải bài Tarot ngày càng lớn mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại tính đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt là với giới trẻ, bao gồm trẻ vị thành niên học sinh, sinh viên, và người mới đi làm. 

Tin theo bói bài Tarot, cô gái phải nhập viện điều trị tâm thần- Ảnh 1.

Chiêm tinh, bói bài tarot, tử vi trên mạng đang thực sự thu hút giới trẻ. Ảnh: AP

Chiêm tinh, bói bài tarot, tử vi trên mạng đang thực sự thu hút giới trẻ. Ảnh: AP

Họ tìm đến Tarot như cách để làm xoa dịu đi những tổn thương tinh thần trong cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, bói bài còn giúp họ thỏa mãn sự tò mò hoặc được "hỗ trợ tâm lý". Thậm chí, có một số bạn trẻ đi bói bài để định hướng cho một lựa chọn quan trọng.

ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E đã từng điều trị cho trường hợp cô gái trẻ 25 tuổi mắc rối loạn lưỡng cực. Bệnh nhân làm bất cứ việc gì cũng phải đi bói bài Tarot. Ngay cả đi khám bệnh, cô gái trẻ cũng phải đi bói bài để đưa ra quyết định.

Bệnh nhân tới khám do mất ngủ, được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực và được bác sĩ kê thuốc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, bệnh nhân không uống thuốc mà tiếp tục đi bói bài để xem tương lai ra sao.

Khi đi bói bài, bệnh nhân biết được thông tin trong thời gian tới sẽ gặp những vấn đề không thuận lợi. Bệnh nhân không dám uống thuốc, lo lắng, căng thẳng nhiều, mất ngủ do nghĩ tới tương lai không tốt đã được dự đoán qua buổi đi bói bài đó.

Theo bác sĩ Chung, đợt nắng nóng vừa rồi bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị rối loạn lưỡng cực trong tình trạng khá nặng.

"Bản thân bói bài không gây ra rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, với trường hợp của bạn trẻ này đã có sẵn bệnh lý rối loạn lưỡng cực nhưng không điều trị vì tin theo bói bài. Đợt nắng nóng gần đây, tình trạng rối loạn cảm xúc của bệnh nhân bùng phát. Do đó, bệnh nhân phải nhập viện điều trị", bác sĩ Chung nhấn mạnh.

Bác sĩ cũng cho hay, bệnh nhân này có những dấu hiệu sớm của rối loạn lưỡng cực là mất ngủ. Cộng thêm tâm lý lo âu do thường xuyên đi bói bài khiến cho việc điều trị bệnh của cô trở nên khó khăn rất nhiều. Đối với bệnh nhân này, nếu tuân thủ điều trị từ lúc được chẩn đoán bệnh thì bệnh lý sẽ dễ dàng điều trị hơn.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Chung cho biết, rối loạn lưỡng cực (hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn hưng-trầm cảm) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người. Biểu hiện đặc trưng của rối loạn này là các giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm (cảm xúc vui vẻ, hưng phấn quá mức) có hoặc không kèm theo trầm cảm (buồn chán, bi quan).

Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực chia làm các giai đoạn như sau:

Giai đoạn hưng cảm: Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như năng lượng tăng cao, hoạt động quá mức; cảm giác vui vẻ, hưng phấn, hoặc dễ bị kích động; giảm nhu cầu ngủ; nói nhiều, suy nghĩ nhanh; dễ mất tập trung; hành vi bốc đồng, liều lĩnh.

Giai đoạn trầm cảm: Bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn bã, chán nản; mất hứng thú với các hoạt động thường ngày; thay đổi khẩu vị và giấc ngủ; mệt mỏi, thiếu năng lượng; khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực; có ý tưởng tự sát.

Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực khi có các triệu chứng của hưng cảm, trầm cảm. Các triệu chứng này làm ảnh hưởng tới các chức năng làm việc, học tập hoặc các mối quan hệ.

"Để điều trị rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kéo dài trong nhiều năm mới ổn định. Qua trường hợp của bệnh nhân 25 tuổi nêu trên khuyến cáo mọi người, khi có vấn đề giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, mọi người cần đi khám chuyên khoa sức khỏe tinh thần sớm để tìm nguyên nhân và điều trị sớm", bác sĩ Chung nói thêm.