Dân Việt

Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô

Hồng Nhân - Văn Hoàng 15/07/2024 10:54 GMT+7
Nhiều hộ dân còn nuôi nhốt gấu ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) đã cam kết không hút mật, không buôn bán mật gấu. Nhưng ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, vẫn còn tình trạng lén lút rao bán mật gấu trái phép tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô.
Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tích cực vận động người dân Phụng Thượng bàn giao gấu để được chăm sóc tốt hơn nhưng người nuôi cũng có trăn trở riêng.

Nỗ lực "giải cứu” đàn gấu nuôi của cơ quan chức năng và trăn trở của người dân Phụng Thượng

Xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) từng nổi danh một thời là thủ phủ nuôi gấu lấy mật tại miền Bắc. Những năm 2000, nơi đây được dân buôn gọi là “chợ” buôn bán mật gấu.

Thế nhưng, từ năm 2006, khi nhà nước cấm các hoạt động mua bán chích hút mật, gấu nuôi cũng được gắn chíp để theo dõi, cảnh buôn bán trên không còn hiện hữu.

“Đàn gấu bây giờ thuộc sự quản lý của Nhà nước rồi. Mật gấu cũng không còn được coi là thần dược nữa nên người nuôi không còn mặn mà", bà H.T.M  (người dân xã Phụng Thượng) nói.

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, đưa gấu chó và gấu ngựa vào danh mục được bảo vệ, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

Từ đó, tại Phụng Thượng không còn thấy những biển quảng cáo bán mật gấu, không còn cảnh công khai buôn bán như trước đây. Số lượng gấu còn lại cũng được cơ quan chức năng các cấp thường xuyên kiểm tra, theo dõi biến động.

Những năm gần đây, một số hộ dân nuôi gấu ở xã Phụng Thượng đã tiến hành bàn giao gấu cho nhà chức trách, những trung tâm bảo tồn để “vật nuôi” của họ được chăm sóc tốt hơn. Bởi qua hàng chục năm bị nuôi nhốt nhiều cá thể gấu đã mắc bệnh, già yếu…

Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô- Ảnh 2.

Hiện nay ở xã Phụng Thượng còn gần 90 cá thể gấu nuôi nhốt.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện nay ở xã Phụng Thượng còn gần 90 cá thể gấu nuôi nhốt.

Mới đây nhất, ngày 27/6/2024, thông qua công tác tuyên truyền, hai hộ dân ở xã Phụng Thượng đã viết đơn tự nguyện chuyển giao 2 cá thể gấu ngựa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bàn giao 7 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Theo chia sẻ từ một số người dân, họ sẵn sàng bàn giao gấu, chỉ mong được cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ phần nào... Bởi để có đàn gấu như bây giờ, họ đã phải đầu tư rất nhiều.

"Đây là "tài sản"" mà từ ngày xưa chúng tôi đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết", một người dân nuôi gấu nói.

Theo ThS. Phan Thị Thùy Trinh – Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) từ năm 2007, đơn vị đã bắt đầu cứu hộ gấu và đưa về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến thời điểm này đã cứu hộ được 279 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa).

Tháng 5/2024, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra chíp điện tử đối với gấu nuôi nhốt 96 cá thể/17 cơ sở là hộ gia đình và 06 cá thể/01 cơ sở là tổ chức trên địa bàn Hà Nội.

So với đợt kiểm tra gần nhất vào tháng 10/2023, số lượng gấu nuôi nhốt tại các cơ sở nuôi nhốt giảm 13 cá thể (trong đó: 08 cá thể gấu bị chết và 04 cá thể gấu được người dân tự nguyện chuyển giao). Kết quả kiểm tra số chíp đọc được là 96/96 cá thể.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Mậu - Trưởng Phòng Quản lý và Sử dụng rừng (Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội) cho biết, gần đây, một số hộ dân tích cực bàn giao các cá thể gấu nuôi nhốt là bởi công tác tuyên truyền, vận động giao nộp được tốt hơn, thực hiện nghiêm việc ký cam kết nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là khu vực nuôi nhốt gấu. Đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng liên quan xử lý nghiêm các việc phát hiện vi phạm. Năm 2023 đã xử lý hai vụ vi phạm liên quan đến mua bán mật gấu” - ông Mậu nói.

Giữ gấu trong nhà, lén lút hút mật bán

Đúng như nhận định của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, dù đã tuyên truyền, vận động, ký cam kết nhưng vẫn còn hộ dân lén lút hút mật gấu để rao bán. 

Tháng 7/2024, Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã ghi nhận còn có tình trạng rao bán mật gấu tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.

Đi dọc Quốc lộ 32, khi hỏi mua mật gấu, nhiều người dân khẳng khái nói luôn "ở đây không ai bán cả", nhưng cũng có hộ gia đình vẫn mời chào khách đến "xem hàng tại chỗ" để chứng tỏ uy tín. Chúng tôi tiếp cận được một đầu mối được coi là "uy tín", người này giới thiệu tên C.

Theo khảo sát, mức giá 50.000 đồng/1cc được xem là giá chung rao bán cho khách lạ. Theo người dân tại đây, không có mật loại 1, hay loại 2 như nhiều trại gấu vẫn giới thiệu với khách. Thông thường, mức giá mật gấu trội lên gấp 2 - 3 lần khi các khách lạ đến hỏi mua.

Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô- Ảnh 3.

Nhà của C có mặt tiền rộng, một bên để làm nơi nuôi nhốt gấu.

C kiểm tra kĩ thông tin của chúng tôi trước khi nhắn vào nhà để mua mật. Nhà của C có diện tích rộng, nằm ngay mặt đường lớn.

Để khẳng định là mật xịn, mật chất lượng, C cho biết mình nuôi khoảng 10 cá thể gấu, rồi dẫn chúng tôi đi xem.

Quan sát của chúng tôi cho thấy, trong khu vực nhà C, nuôi nhốt kín 4 bên, gấu được nhốt trong lồng sắt, những cá thể gấu ngựa, gấu chó nặng hàng tạ. Bên cạnh là chiếc cân, xe đẩy và mỗi số thiết bị khác.

Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô- Ảnh 4.

Khu vực nuôi gấu của C.

Ngoài cửa chuồng, cám ngô trộn rau đã nấu chín, vỏ trứng ra vứt la liệt.

C nhanh chân đi vào bếp, lấy ra một túi nilon màu đỏ, bên trong chứa nhiều lọ thủy tinh nhỏ có chứa chất lỏng màu xanh, được bọc kín.

“Mỗi lọ là 1cc, mỗi cc bán giá 70.000 đồng, nếu dùng cần bảo quản kỹ, để trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông có thể được 6 thàng” - ông C nói.

Lén lút rao bán mật gấu tại làng nuôi nhốt gấu lớn nhất Thủ đô- Ảnh 5.

C khẳng định mật gấu của mình là uy tín, được hút ngay từ những cá thể gấu nuôi tại nhà.

Theo ông C, khi bán qua mạng xã hội có ai đặt mua từ 10cc trở lên sẽ ship tận tay người tiêu dùng. Qua trao đổi, người đàn ông này tiết lộ, mật gấu ông được hút từ những cá thể gấu ông đang nuôi nhốt và việc buôn bán là có thêm phần kinh phí để chăm sóc, mua thức ăn cho gấu.

Câu chuyện ghi nhận tại nhà ông C cho thấy, tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) vẫn còn tình trạng lén lút rao bán mật gấu, cần được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Không để tình trạng gắn chip, kiểm tra hồ sơ nhưng thực tế gấu vẫn bị vật ra hút mật đem bán thu lời. 

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng khẳng định, theo quy định không được phép buôn bán mật gấu.

"Nếu có trường hợp chích hút, bán mật gấu chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan chức năng, ban ngành liên quan để xử lý", vị lãnh đạo xã nói.

Còn phía Chi cục Kiểm lâm Hà Nội khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Trước đó, năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) tuyên phạt đối tượng Nguyễn Văn Thao - một chủ nuôi gấu tại huyện Phúc Thọ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 30 tháng cho hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 350 lọ mật gấu.

Điều đáng nói là tại thời điểm bị phát hiện, đối tượng Nguyễn Văn Thao đang là một chủ nuôi 7 cá thể gấu có đăng ký trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Đối tượng khai nhận số mật gấu bị thu giữ được đối tượng trích hút trực tiếp từ các cá thể gấu ngựa này.